Các bà mẹ đưa con bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực tới khám tại một trung tâm dinh dưỡng

Các bà mẹ đưa con bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực tới khám tại một trung tâm dinh dưỡng của Hội chữ thập Đỏ ở Panthau, Nam Sudan.

Trong báo cáo Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC), ba cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Tổ chức nông nghiệp và lương thực (FAO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết mức độ đói nghiêm trọng đang gia tăng do tình trạng bất ổn, tác động của dịch COVID-19, hậu quả của khủng hoảng kinh tế và ảnh hưởng của lũ lụt. Hỗ trợ nhân đạo là cần thiết để cứu sống và ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn về sinh kế ở những khu vực khó tiếp cận. Hiện các cơ quan của LHQ, gồm FAO, UNICEF và WFB đang mở rộng hoạt động ứng phó cùng với các tổ chức viện trợ nhân đạo khác.

Đại diện FAO tại Nam Sudan, Meshack Malo cho biết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên dừng các hoạt động bạo lực và đảm bảo việc tiếp cận nhân đạo an toàn để ngăn chặn tình huống vốn đã nghiêm trọng biến thành thảm họa toàn diện”. Trong khi đó, đại diện của UNICEF tại Nam Sudan, Mohamed Ayoya bày tỏ: “Vô cùng lo ngại về số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng ngày càng tăng. Những đứa trẻ này cần được điều trị khẩn cấp. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa vào các chương trình hành động nhằm ngăn chặn trẻ em suy dinh dưỡng ngay từ giai đoạn đầu”.

Phó Giám đốc quốc gia của WFP tại Nam Sudan, Makena Walker cũng cho biết: “Tình hình đáng lo lắng về số lượng người bị đói ngày càng tăng do thiếu lương thực và dinh dưỡng, gia tăng xung đột, trình trạng lũ lụt chưa từng có và giá cả lương thực tăng cao". Đồng thời, đại diện WFP khẳng định rằng "năm 2021 sẽ vô cùng khó khăn, nhưng các cơ quan của LHQ quyết tâm làm tất cả những gì có thể để tiếp cận được nhiều người hơn trong thời gian dài hơn”.

Theo TTXVN