Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương, đại diện cơ quan ngoại giao các nước và đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh trong cả nước nói chung, các tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng và đại diện các doanh nghiệp, các công ty du lịch lữ hành,….

Du lịch tây bắc

Toàn cảnh “Hội nghị Liên kết phát triển Du lịch vùng Tây Bắc và Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao” diễn ra hôm nay (6/5). Ảnh: Duy Thái

Vùng Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, chiếm 1/3 diện tích cả nước với gần 11 triệu dân. Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của Việt Nam; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vùng Tây Bắc có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu; là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó lâu đời; là căn cứ cách mạng, an toàn khu của các cuộc kháng chiến.

Tôi tin tưởng sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các địa phương, sự ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, trong và ngoài nước, du lịch Tây Bắc sẽ phát triển bền vững, góp phần xây dựng Tây Bắc thành “Hòn ngọc ngày mai của Tổ Quốc”.

Nguyen Xuan Phuc

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Do vậy, xây dựng vùng Tây Bắc phát triển vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc.

Phó Thủ tướng khẳng định, đầu tư phát triển vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên, đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế – xã hội của vùng hôm nay có nhiều khởi sắc mới. Tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng giai đoạn 2005-2012 đạt 11,16%/năm, năm 2013 đạt 9,4%; cơ cấu kinh tế đang dịch chuyển theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn còn là vùng nghèo nhất trong cả nước, khoảng cách về thu nhập so với các vùng khác chưa được thu hẹp. Hầu hết các địa phương trong vùng chưa có khả năng tự cân đối được ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, lúng túng, hiệu quả thấp, thiếu bền vững;…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “thực tế hiện nay, phát triển du lịch vùng Tây Bắc chưa tương xứng với tiềm năng, đang gặp nhiều lực cản, nổi bật là khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư,… Du lịch của vùng mới trong giai đoạn đầu phát triển nên cần định hướng quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, nhất là sự hỗ trợ liên kết, kêu gọi đầu tư hạ tầng để tạo đà cho phát triển kinh tế”.

Để vùng kinh tế chiến lược này phát triển bền vững, đánh dấu 10 năm xây dựng và phát triển của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban đã lựa chọn và xác định chủ đề công tác là ““Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc - Tạo động lực phát triển kinh tế”. Bởi liên kết là xu hướng phát triển tất yếu trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch, liên kết sẽ làm nổi bật và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Phát triển du lịch Tây Bắc có nét đặc thù riêng so với các vùng khác trong cả nước, đòi hỏi sự liên kết, hợp tác với các vùng của cả nước và quốc tế.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ cùng với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả liên kết trong phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội bền vững của vùng Tây Bắc.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức hội nghị, từ năm 2014 sẽ tăng cường công tác phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp liên kết phát triển bền vững du lịch Tây Bắc. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, diễn đàn kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu từ phát triển du lịch của vùng./.

Duy Thái