Việc điều chỉnh giá dịch vụ KBCB đã tạo điều kiện cho các bệnh viện có nguồn tài chính để trang trải các chi phí, nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất.
PV: Thưa bà, đẩy mạnh cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được thực hiện trong những năm qua và đạt được những kết quả tích cực. Riêng đối với các cơ sở y tế, tình hình thực hiện tự chủ của những đơn vị này thế nào?
- Bà Vũ Thị Hải Yến: Số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng qua các năm. Các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ (có nguồn thu dưới 10% chi hoạt động thường xuyên) ngày càng giảm. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành và địa phương, năm 2016 có khoảng 70 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên; năm 2017, do thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) có tính tới chi phí tiền lương nên có khoảng 100 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và năm 2018 có 164 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.
PV: Thời gian qua ngành Y tế đã thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KBCB trong đó giá dịch vụ KBCB đã tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương. Việc điều chỉnh này có tác động như thế nào tới NSNN, thưa bà?
![]() |
Bà Vũ Thị Hải Yến |
- Bà Vũ Thị Hải Yến: Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ KBCB, NSNN đã từng bước giảm cấp trực tiếp cho cơ sở KBCB thông qua việc giảm cấp chi thường xuyên đối với các khoản chi được kết cấu trong giá dịch vụ KBCB và khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp của từng đơn vị theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ KBCB.
Số giảm chi từ ngân sách đã được dành để hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách thông qua việc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng theo quy định của Luật BHYT. Đồng thời, số giảm chi được sử dụng để tăng chi cho y tế dự phòng, dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách khác của ngành Y tế.
Đối với ngân sách trung ương, năm 2017 đã giảm cấp chi thường xuyên của các cơ sở y tế phần tiền lương đã kết cấu vào giá dịch vụ KBCB khoảng 530 tỷ đồng so với dự toán năm 2016; năm 2018 tiếp tục giảm cấp chi thường xuyên 89,5 tỷ đồng; năm 2019 giảm cấp chi thường xuyên 89 tỷ đồng do giảm 2,5% chi thường xuyên; giảm quỹ lương NSNN do giảm biên chế.
Đối với ngân sách địa phương, theo báo cáo của 36/63 tỉnh, năm 2017 các địa phương đã giảm chi thường xuyên cấp cho các đơn vị y tế là 1.433 tỷ đồng; năm 2018 đã giảm chi thường xuyên là 2.905 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ KBCB đã tạo điều kiện cho các cơ sở y tế có nguồn tài chính để trang trải các chi phí, nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ tương xứng với mức giá KBCB. Đồng thời, việc điều chỉnh đã khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các kỹ thuật mới được chuyển giao, nâng cao trình độ chuyên môn và từng bước giảm quá tải cho tuyến trên. Các cơ sở y tế đã sử dụng nguồn thu và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo, nâng cấp khu vực khám bệnh, các buồng bệnh, mua sắm các trang thiết bị, điều hòa, ghế, bình nước, dụng cụ khám bệnh, cải cách các thủ tục ở khoa khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi... hạn chế tình trạng quá tải và nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh.
PV: Trên thực tế, hiện nay các bệnh viện tuyến huyện mặc dù đã tính đủ chi phí trong giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng thu vẫn không đủ bù chi, ngân sách vẫn cấp bù để chi tiền lương. Giải pháp đối với các bệnh viện này trong thời gian tới là gì, thưa bà?
- Bà Vũ Thị Hải Yến: Hiện nay có một số lĩnh vực của ngành Y tế mà NSNN vẫn phải hỗ trợ rất lớn để chi thường xuyên. Thứ nhất là giá dịch vụ KBCB cho người bệnh có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT mới đi được 1/3 lộ trình đề ra (giá dịch vụ mới bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa bao gồm chi phí quản lý và chi phí khấu hao). Khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở theo lộ trình, NSNN vẫn phải cấp bổ sung phần chênh lệch kinh phí chi tiền lương đối với các cơ sở KBCB đảm bảo một phần chi thường xuyên và cơ sở KBCB do NSNN đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên (nhóm 3 và nhóm 4) đã thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ nhưng không đảm bảo nguồn chi trả tiền lương.
Ngoài ra, đối với cơ sở KBCB tuyến huyện, mặc dù giá dịch vụ KBCB đã tính đủ tiền lương nhưng nguồn thu vẫn không đảm bảo đủ chi tiền lương. Nguyên nhân là do số lượt người bệnh đến KBCB ít, chưa tương xứng với quy mô về trang thiết bị và nhân lực. Đến nay NSNN vẫn phải cấp bù để chi tiền lương.
Trong các trường hợp nguồn thu của cơ sở KBCB (trong đó có nguồn thu từ dịch vụ KBCB, giá dịch vụ đã kết cấu chi phí tiền lương) không đảm bảo hoạt động thường xuyên và đơn vị được cấp có thẩm quyền phân loại là đơn vị sự nghiệp y tế tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp y tế do Nhà nước đảm bảo hoạt động thường xuyên, NSNN tiếp tục hỗ trợ, bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên (trong đó có tiền lương) cho đơn vị theo quy định.
Việc xác định mức hỗ trợ từ NSNN để đảm bảo chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Thông tư số 71/2006/TT-BTC.
PV: Xin cảm ơn bà!
Bùi Tư (thực hiện)