Làn sóng tiêu dùng xanh
Bao bì nhựa từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng của lượng rác thải nhựa, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, ô nhiễm nhựa đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người. Rác thải nhựa không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây hại cho hệ sinh thái, mà còn trực tiếp đe dọa tới cuộc sống của con người và các loài động vật khi các hạt vi nhựa dần xâm nhập vào chuỗi thức ăn.
![]() |
Quầy hoa quả không sử dụng túi nilong tại siêu thị Vinmart. Ảnh: Bảo Linh |
Nhận thức được tác động tiêu cực của bao bì nhựa, nhiều siêu thị lớn như WinMart hay Fujimart đã tiên phong trong việc sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường như túi phân hủy sinh học, túi vải và hộp giấy. Các biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh ô nhiễm do rác thải nhựa đang trở thành vấn đề toàn cầu, nhiều khu dân cư và siêu thị tại Hà Nội đã bắt đầu chuyển đổi từ bao bì nhựa sang các loại bao bì thân thiện với môi trường như túi phân hủy sinh học, túi vải và hộp giấy. |
Một số siêu thị đã áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá khi khách hàng sử dụng túi vải, hoặc mua sản phẩm sử dụng bao bì sinh thái. Điều này không chỉ thúc đẩy người tiêu dùng tham gia vào xu hướng tiêu dùng xanh, mà còn tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, khuyến khích nhiều người hơn cùng hành động vì môi trường.
Ngoài ra, các siêu thị cũng chú trọng vào việc trang bị kiến thức cho nhân viên về lợi ích của bao bì thân thiện với môi trường, từ đó có thể tư vấn và khuyến khích khách hàng chuyển đổi hành vi tiêu dùng. Sự đồng lòng và cam kết từ các nhà bán lẻ này đã tạo nên những ảnh hưởng tích cực tới thói quen tiêu dùng của người dân Hà Nội.
Giới trẻ dẫn đầu xu hướng tiêu dùng xanh
Trong hành trình dạo quanh một số siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng những người tiêu dùng ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Vân Hà, 11 tuổi, học sinh trường THCS Vinschool Time City tự tin chia sẻ quan điểm của mình: "Dù giá có cao hơn một chút, nhưng em vẫn ưu tiên chọn các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường vì em muốn góp phần nhỏ trong việc bảo vệ môi trường".
Đồng quan điểm, bạn Tâm Anh, 15 tuổi, cũng là học sinh THCS Vinschool Time City cho biết: "Em thấy việc sử dụng các loại túi vải tái sử dụng tại siêu thị giúp ích rất nhiều cho môi trường. Em mong muốn mọi người cùng tham gia để cải thiện môi trường sống".
![]() |
Siêu thị Big C sử dụng túi đựng có thể tái sử dụng. Ảnh TL minh họa. |
Không chỉ các bạn nhỏ, anh Khánh, 29 tuổi hiện đang sinh sống tại đường Lạc Trung, quận hai Bà Trưng, Hà Nội cũng bày tỏ sự ủng hộ với lối sống xanh. Anh Khánh cho biết, khi đi siêu thị, anh thường ưu tiên mua các sản phẩm có giá cả phải chăng, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Đồng thời, anh cũng thường chọn các loại bao bì xanh thay vì bao bì nilon để bảo vệ môi trường và tốt cho sức khỏe.
Mặc dù vẫn còn một số thách thức trong việc thúc đẩy các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng thân thiện với môi trường tại các cửa hàng và siêu thị nhưng sự ủng hộ và tinh thần trách nhiệm của người tiêu dùng là một bước tiến quan trọng trong hành trình hướng tới một tương lai xanh, sạch và bền vững. |
Tuy nhiên, không phải siêu thị nào cũng chú trọng vào việc này. Chị Lương, 22 tuổi, sinh viên Đại học RMIT thường xuyên mua hàng hóa tại các siêu thị đã cho biết, không phải tất cả các siêu thị đều sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường.
“Có thể nói, sự đối phó và thiếu nhất quán tại các chi nhánh trong việc triển khai các hoạt động hướng tới bảo vệ môi trường vẫn còn là thách thức đối với một số chuỗi siêu thị” - chị Lương nhấn mạnh.
Tiêu dùng xanh hướng tới tương lai bền vững
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là từ các bạn trẻ sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mặc dù vẫn còn một số thách thức trong việc thúc đẩy các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng thân thiện với môi trường tại các cửa hàng và siêu thị nhưng sự ủng hộ và tinh thần trách nhiệm của người tiêu dùng là một bước tiến quan trọng trong hành trình hướng tới một tương lai xanh, sạch và bền vững.
Hy vọng rằng, với những nỗ lực từ cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, chúng ta có thể góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ hành tinh xanh. Các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh cần được thực hiện đồng bộ và có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả dài hạn.
Chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, bằng cách đưa ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và tiêu thụ bao bì nhựa./.