Phương châm hoạt động đối ngoại: Tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, phát triển Thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả cả 3 trụ cột đối ngoại

Trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành Ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 ngày 18/12, đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã có bài tham luận “Tiếp tục tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại theo tinh thần của Đại hội Đảng XIII”.

Đảm bảo đủ nguồn lực tài chính phục vụ công tác đối ngoại

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Ngân sách nhà nước. Trong đó quy định lĩnh vực đối ngoại là lĩnh vực đặc thù cùng với lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Nguồn lực tài chính cho hoạt động đối ngoại luôn được ưu tiên bố trí ở mức cao
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Hồng

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực đối ngoại, hoạt động phân giới cắm mốc biên giới đất liền, hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ Tài chính xác định, Bộ Ngoại giao là cơ quan hoạt động đối ngoại có nhiều nội dung, chế độ có tính chất đặc thù nên cần sự quan tâm về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức của bộ, đặc biệt là cán bộ, công chức của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để trình cấp có thẩm quyền quy định tăng mức chi sinh hoạt phí đối với cán bộ, công chức cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lên khoảng 1,4 lần so với mức sinh hoạt phí cũ.

Đồng thời, bổ sung nhiều chế độ chính sách mới như: chế độ hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế cho con đi theo; một số chế độ cho thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như chế độ thanh toán chi phí khám, điều trị Covid-19 từ ngân sách nhà nước ngoài phạm vi bảo hiểm, chi phí mua khẩu trang, thuốc sát khuẩn, chi trợ cấp dịch bệnh tại một số địa bàn dịch bệnh nặng... Các chế độ này đã góp phần động viên tinh thần và vật chất cho các cán bộ cơ quan ngoại giao yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại quốc gia.

Về bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động ngoại giao, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện công tác đối ngoại, ngoại giao theo đúng quy định. Tuy ngân sách nhà nước có khó khăn, nguồn thu sụt giảm do dịch bệnh Covid-19 nhưng số kinh phí bố trí cho Bộ Ngoại giao vẫn được đảm bảo.

Số kinh phí này đã đảm bảo đủ kinh phí chi trả các chế độ cho con người; kinh phí thường xuyên theo định mức; kinh phí phục vụ nhiệm vụ đặc thù của Bộ Ngoại giao về đối ngoại, phân giới cắm mốc, bảo hộ công dân…

Bên cạnh đó, ưu tiên kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước như: kinh phí tổ chức các hội nghị cấp cao APEC năm 2017, ASEAN năm 2020; kinh phí phục vụ hoạt động đối ngoại nhà nước; kinh phí thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (đặc biệt là người Campuchia gốc Việt)...

Đồng thời, trong điều hành ngân sách nhà nước hàng năm cũng đã ưu tiên, loại trừ kinh phí thực hiện các hoạt động ngoại giao quốc gia của Bộ Ngoại giao không thuộc đối tượng thực hiện cắt giảm, tiết kiệm theo các nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, do tổng quy mô ngân sách nhà nước còn hạn chế, mặc dù ngân sách của Bộ Ngoại giao đã được ưu tiên bố trí ở mức cao nhưng vẫn cần tiếp tục ra soát để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Sẽ tiếp tục ưu tiên kinh phí cho các hoạt động đối ngoại

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại luôn cần có một cơ chế, nguồn lực tài chính thỏa đáng phù hợp với sự linh hoạt cần thiết, giúp ngành ngoại giao thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị trong môi trường toàn cầu luôn biến động.

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, để tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính phục vụ tốt cho các hoạt động ngoại giao, góp phần thực hiện nền ngoại giao toàn diện, hiện đại theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong thời gian tới Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và các bộ cơ quan liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn hơn nữa trong việc hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí.

Trong đó, về thể chế, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tài chính lĩnh vực đối ngoại trong trường hợp cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Ngoại giao.

Về tổ chức thực hiện, tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao và cơ chế tài chính phục vụ hoạt động ngoại giao. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc triển khai thực hiện các cơ chế tài chính chính sách cơ chế chính sách tài chính, thực hiện nhiệm vụ chính trị đối ngoại được giao, không để xảy ra sai sót, vi phạm về quản lý tài chính, lãng phí nguồn lực nhà nước.

Về dự toán ngân sách nhà nước, sẽ tiếp tục ưu tiên kinh phí cho các hoạt động đối ngoại, hoạt động đặc thù, kinh phí thực hiện các đề án, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính nhận được phản ánh về một số vướng mắc trong quá trình thực hiện thu, nộp lệ phí, phí trong lĩnh vực ngoại giao; về chế độ, chính sách trợ cấp dịch bệnh cho các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; về quản lý công sản, xe ô tô... Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan để xử lý, tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách, về nguồn lực theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại theo tinh thần của Đại hội Đảng XIII.