Xây dựng trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" Doanh nghiệp là trung tâm phục vụ trong chính sách ngoại giao kinh tế

Sáng 15/12, Hội nghị Ngoại giao 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi ngành ngoại giao đang bước vào giai đoạn mới, phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, Hội nghị Ngoại giao 31 được tổ chức ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa diễn ra thành công tốt đẹp ngày 14/12. Điều này khẳng định quyết tâm rất cao của toàn ngành Ngoại giao trong việc quán triệt và đưa các chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc sớm đi vào triển khai, thực hiện.

Phương châm hoạt động đối ngoại: Tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, phát triển
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/Thế giới và Việt Nam

Hóa giải thách thức, tận dụng thời cơ để phát triển

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số thành tựu mà ngành ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua: nắm chắc tình hình, dự báo chiến lược để kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiến hành các hoạt động đối nội, đối ngoại; góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà đất nước đảm nhiệm tại các tổ chức quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh kết quả mà Tổ công tác về ngoại giao về vắc-xin đã đạt được, đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Thông qua đường ngoại giao, Việt Nam từ một nước tiếp cận vắc-xin Covid-19 chậm trở thành nước trong nhóm có tốc độ tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới; góp phần giúp Việt Nam làm chủ vắc-xin, chủ động thích ứng an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, hoạt động ngoại giao cũng làm cho bạn bè quốc tế yêu mến, quý trọng, tin tưởng và giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn. Qua đó, triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những “trăn trở” mà ngành Ngoại giao cần cố gắng trong thời gian tới. Đó là, ngoại giao phải chú ý tập trung giải quyết như nghiên cứu chiến lược, tích lũy cơ sở dữ liệu để có được một kho tàng cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện trên các mặt để phân tích kỹ càng, thông tin chính xác.

Ngoại giao kinh tế phục vụ cho phát triển bền vững, phát triển chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu vẫn còn khoảng cách, cần cố gắng hơn. Một số địa bàn có tính chất chiến lược, còn nhiều dư địa hợp tác nhưng chưa phát huy được như: châu Phi, Châu Mỹ La - tinh, ngay cả tại Campuchia và Lào…

Trong 2 năm tới 2022-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hoạt động đối ngoại cần phải dự báo tình hình quốc tế trên cơ sở đánh giá những kết quả đã và chưa làm được, từ đó định hình công tác đối ngoại cho phù hợp, hóa giải thách thức, tận dụng thời cơ để phát triển.

Theo Thủ tướng, hiện cạnh tranh chiến lược trên thế giới và khu vực rất “nóng”, đặc biệt là tại châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Cạnh tranh chiến lược vừa có thách thức, vừa có cơ hội. Hoạt động ngoại giao phải làm sao hóa giải được thách thức và tận dụng được thời cơ phát triển là điều quan trọng.

Tiếp đó, dịch bệnh Covid-19 là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi cách tiếp cận toàn cầu, có sự đoàn kết quốc tế. Là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần phải có sự chia sẻ, phối hợp hợp tác với quốc tế, góp phần bảo vệ sự bình yên của thế giới, an toàn của mọi công dân.

Những vấn đề mang tính toàn cầu như: biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, an ninh mạng, già hoá dân số… đều là những bài toán khó, đòi hỏi sự chung tay, có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương. Việt Nam cần phải nắm rõ những xu hướng này để có được chính sách, đường lối đối ngoại phù hợp, phục vụ cho mục tiêu quốc gia-dân tộc, nhưng vẫn giữ được sự hoà hiếu, nhân ái trong quan hệ đối ngoại.

Việt Nam không chọn bên mà chọn lẽ phải

Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ hưu cơ giữa đối nội và đối ngoại. “Đối nội làm tốt sẽ tạo chất liệu để làm đối ngoại tốt hơn. Ngược lại, đối ngoại làm tốt sẽ tạo ra nền tảng cho công tác đối nội. Hai vấn đề này có quan hệ mật thiết, kích thích lẫn nhau”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, Thủ tướng lưu ý công tác đối ngoại cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quan trọng theo Cương lĩnh, Hiến pháp là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không bỏ qua an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Đồng thời, phải tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; hướng tới mục tiêu 2045 và trước mắt triển khai nghị quyết Đại hội XIII về đối ngoại; vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ từ sớm, từ xa bằng các biện pháp ngoại giao; kết hợp chặt chẽ, phát huy quan hệ hữu cơ giữa công tác đối nội và đối ngoại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Về 3 trụ cột ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, về ngoại giao chính trị, Việt Nam cần kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước và là thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng cho rằng, công tác đối ngoại cần xây dựng hình ảnh tình cảm, chân thành và tin cậy với bạn bè quốc tế và các doanh nghiệp, tuân thủ tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm cho họ hiểu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, đáp ứng xu thế của thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển.

“Chúng ta không chọn bên mà chọn lẽ phải và xu hướng của thời đại là hòa bình, hợp tác, cùng phát triển”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Về ngoại giao kinh tế, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cần chú trọng hơn vào cải thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, học tập thêm kinh nghiệm quản trị quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy các FTA, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy liên kết xuất nhập khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống.

Về ngoại giao văn hóa, Thủ tướng cho rằng, cần triển khai những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu, nhất là Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, đặt ngoại giao văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, với sự đầu tư về nguồn lực cả về tài chính lẫn con người, đặc biệt là khi dư địa cho công tác ngoại giao văn hóa còn nhiều.

Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. phương châm đối ngoại trong thời đại mới được gói gọn đó là: tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng (không phải cứ thấy nước lớn thì khúm núm còn với nước nhỏ thì trịch thượng), hiệu quả, cùng phát triển.