gt

Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được nâng lên, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Những công trình dự án được đầu tư phải có tính liên kết, khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết cho những vùng khác…

Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

Theo Bộ GTVT, hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đã được đầu tư xây dựng. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được nâng lên đáng kể (xếp hạng năng lực và chất lượng hạ tầng tăng từ 95/144 năm 2011 lên 67/137 năm 2019) góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Công tác kết nối các phương thức vận tải, kết nối quốc tế đối với cả 5 phương thức đã được quan tâm, triển khai làm tiền đề thuận lợi để phát triển trong giai đoạn tới. Mục tiêu chung của 5 quy hoạch ngành quốc gia về GTVT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia đến năm 2030 từng bước đồng bộ; một số công trình hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường...

Đến năm 2030, hệ thống giao thông đáp ứng được nhu cầu vận tải với tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 4,4 tỷ tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 6,82%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 10,46 tỷ khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 7,33%/năm…

Đến năm 2050, trong 5 phương thức vận tải, đường bộ mang tính chất linh hoạt và phải chủ động nhất trong việc kết nối tới các phương thức vận tải khác. Cảng biển và cảng hàng không có những yêu cầu đặc biệt về vị trí, quy mô được ưu tiên xác định vị trí và yêu cầu đối với các phương thức còn lại phải chủ động kết nối. Đường thủy nội địa có lợi thế tự nhiên trong kết nối với cảng biển, đóng vai trò hỗ trợ đường bộ trong việc thu gom và giải tỏa hàng hóa tại cảng biển. Ngành GTVT sẽ đề xuất từng bước đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với các loại hình giao thông; xem xét kết nối bằng đường sắt chuyên dụng từ các cảng biển, thủy nội địa, cảng cạn và trung tâm logistics trên các hành lang vận tải chính với mạng lưới đường sắt quốc gia.

Giữ gìn, bảo trì tốt hạ tầng giao thông hiện có

Cùng với làm công tác quy hoạch hiệu quả để đầu tư hạ tầng giao thông mới trọng tâm, trọng điểm, Bộ GTVT cũng triển khai nhiều giải pháp quản lý tốt nhất hạ tầng giao thông hiện có, đặc biệt là các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian tạm dừng thu phí để thực hiện công tác quyết toán, bàn giao tài sản.

Đối với những dự án này, để đảm bảo an toàn vận hành khai thác, duy trì chất lượng bảo trì trong giai đoạn chuyển giao, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) nghiên cứu kỹ quy định, quy trình của pháp luật về tiếp nhận và thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, tổ chức tiếp nhận đúng quy định pháp luật việc quản lý, bảo quản, bảo trì tài sản công trong thời gian chuyển giao dự án. Đồng thời, Bộ GTVT cũng yêu cầu hoàn tất thủ tục cần thiết, xây dựng phương án xử lý tài sản trình Bộ GTVT phê duyệt; chi phí cho công tác này thực hiện theo quy định của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn Bộ GTVT thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, bố trí kinh phí bảo quản, bảo trì các công trình thuộc dự án BOT đến khi hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, bảo đảm an toàn trong khai thác, vận hành công trình và theo quy định của pháp luật.

Trước đó, theo Tổng cục ĐBVN, có 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí là những dự án sắp kết thúc hợp đồng. Cụ thể, có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, Quốc lộ 1 đoạn tránh Hà Tĩnh, Quốc lộ 1K đoạn Km2+478-Km12+971 và Quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy. 2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa và Quốc lộ 91 đoạn Km14-Km 50+889. 3 dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là dự án xây dựng cầu Đồng Nai, Quốc lộ 20 đoạn qua các thị trấn và Quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước và Tứ Câu - Vĩnh Điện.

Tăng cường kiểm tra quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ

Thời gian qua, để đảm bảo an toàn vận hành khai thác, duy trì chất lượng bảo trì trong giai đoạn chuyển giao, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã yêu cầu Cục Quản lý đường bộ, nhà đầu tư tăng cường kiểm tra, thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ để bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt. Đồng thời, tổng cục cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải giao cho Tổng cục ĐBVN tiếp nhận bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý, chuyển giao dự án khi nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án từ chối (không đủ khả năng, bất khả kháng). Trong đó, chi phí bảo quản tài sản chỉ bao gồm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa đột xuất (nếu có) và không bao gồm công tác sửa chữa định kỳ.

Trí Dũng – Văn Nam