Phục hồi là xu hướng trong năm 2021

Cùng với xu hướng sụt giảm mạnh về kinh tế trong năm 2020 của toàn cầu, sản lượng kinh tế ở nhiều quốc gia trong ASEAN+3 (bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng Trung Quốc (tính cả Hong Kong), Nhật Bản và Hàn Quốc) đã suy giảm nghiêm trọng.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực ASEAN+3 năm 2020 suy giảm kỷ lục như Nhật Bản đã giảm từ 0,0% năm 2019 xuống -4,7%; Trung Quốc giảm từ 6,0% xuống 2,3%; tốc độ tăng trưởng của Malaysia năm 2020 đã giảm 5,6% so với năm 2019, tăng trưởng của Philippines và Thái Lan giảm lần lượt là 6,1% và 9,5% so với năm 2019;…Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực ASEAN+3 đã giảm 0,2% năm 2020 sau khi tăng khoảng 5% hoặc hơn trong nhiều năm trước đó.

Phục hồi kinh tế tại ASEAN+3: Không đồng đều giữa các nước và lĩnh vực
Sản xuất ô tô tại Thái Lan. Ảnh: TL

Sang năm 2021 các nền kinh tế trong khu vực ASEAN+3 đã bắt đầu phục hồi cùng với xu hướng phục hồi chung của kinh tế toàn cầu, và sự phục hồi này có thể thấy rõ nét hơn trong quý 2/2021.

Tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã tăng từ -1,3% trong quý 1 lên 7,6% trong quý 2; tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tăng từ 0,4% trong quý 1 lên 1,3% trong quý 2; Malaysia tăng từ -0,5% trong quý 1/2021 lên 16,1% trong quý 2/2021; Thái Lan tăng từ -2,6% trong quý 1/2021 lên 7,5% trong quý 2/2021; Indonesia tăng từ -0,71% trong quý 1/2021 lên 7,07% trong quý 2/202; Philippines tăng từ -3,9% trong quý 1/2021 lên 11,8% trong quý 2/2021;…

Mặc dù kinh tế các nước đã bắt đầu phục hồi song sản lượng nhìn chung vẫn thấp hơn so với mức trước dịch bệnh.Theo báo cáo của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), trong gần 20 tháng qua đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nền kinh tế thế giới, trong đó có khu vực ASEAN+3. Tính đến thời điểm AMRO công bố báo cáo (ngày 10/9/2021), khu vực này ghi nhận hơn 12 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 250.000 người tử vong.

Những đợt lây nhiễm mới do những biến thể có khả năng lây lan mạnh hơn của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là do biến thể Dealta gây ra tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế, mặc dù với mức độ thấp hơn so với trong giai đoạn đầu của năm 2020 nhưng cũng đã buộc nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân. Lòng tin của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi nỗi lo về rủi ro, dù các nhà hoạch định chính sách nhìn chung đã có kinh nghiệm hơn trong việc đưa ra các biện pháp hạn chế. Chỉ số niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh đã bị sụt giảm tại nhiều quốc gia trong khu vực trong thời gian qua.

Cụ thể, tại Trung Quốc: chỉ số niềm tin kinh doanh giảm từ 51,3 điểm trong tháng 1 xuống 49,6 điểm trong tháng 9/2021 và chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng giảm từ 122,8 điểm trong tháng 01 xuống 117,5 điểm trong tháng 8/2021.

Tại Thái Lan: Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm từ 44,2 điểm trong tháng 1 xuống 42,6 điểm trong tháng 9/2021. Chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm từ 47,8 điểm trong tháng 1/2021 xuống 39,6 điểm trong tháng 8/2021. Tại Malaysia, chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm từ 98,9 điểm trong quý 1 xuống 64,3 điểm trong quý 2/2021.

Sự không đồng đều tại các nước

Cũng theo AMRO sự phục hồi đang diễn ra không đồng đều trên khắp các thành viên trong khu vực ASEAN+3, các lĩnh vực và doanh nghiệp, các bộ phận dân cư và cá nhân các nền kinh tế.

Theo đó, các quốc gia lớn trong khu vực ghi nhận sự phục hồi nhanh và chắc hơn các thành viên khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore,…Những sự không đồng đều này có thể sẽ gia tăng nếu việc phân phối vắc-xin không công bằng giữa các quốc gia. Và các nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin cho cộng đồng lớn hơn sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn so với các quốc gia khác.

Trong các lĩnh vực của nền kinh tế, lĩnh vực chế tạo đã phục hồi nhanh và sự đổi mới sáng tạo trong quá trình số hóa đang phát triển mạnh. Cùng với chế tạo, sản xuất của nền kinh tế cũng có nhiều dấu hiệu khả quan hơn. Minh chứng rõ ràng nhất cho sự phục hồi của lĩnh vực chế tạo là chỉ số PMI sản xuất được cải thiện tại nhiều quốc gia.

Tại Nhật Bản, PMI sản xuất tăng từ 49,8 điểm trong tháng 01/2021 lên 51,5 điểm trong tháng 09; tại Thái Lan, chỉ số PMI sản xuất tăng từ 47,2 điểm trong tháng 02/2021 lên 48,9 điểm trong tháng 09;…Trong khi đó lĩnh vực dịch vụ và các dịch vụ tiếp xúc gần bị ảnh hưởng nghiệm trọng bởi dịch Covid-19.

Như vậy, nhìn chung các nền kinh tế khu vực đang trên đà dần phục hồi, tuy nhiên những quốc gia đạt được nhiều tiến bộ về tiêm phòng vắc-xin, nhiều sự hỗ trợ chính sách hơn và ít phụ thuộc nhiều vào đi lại và du lịch có thể sẽ phục hồi nhanh hơn, các nước có những điều kiện ngược lại trên thì có thể sẽ bị tụt hậu và tốc độ phục hồi chậm hơn vì mất nhiều thời gian hơn.

Tốc độ phục hồi khác nhau của tất cả các thành viên ASEAN+3 có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng kéo dài trong nội bộ khu vực thông qua việc nới rộng những khác biệt nội khu vực về tiêu chuẩn sống và làm đảo ngược những thành quả đạt được trong việc xóa giảm đói nghèo./.