Chiếc phao cứu sinh kịp thời

PV: Có thể thấy, 2 năm qua tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định. Vì thế mà chính sách tài khoá đã được điều hành kịp thời, linh hoạt. Ông đánh giá thế nào về việc điều hành chính sách tài khoá, trong thời gian qua ra sao?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Đầu tiên phải khẳng định, sau đại dịch hàng loạt doanh nghiệp đều rơi vào trạng thái khó khăn, trong khi thị trường Việt Nam lại chưa phục hồi, kể cả thị trường thế giới, nhất là hoạt động xuất khẩu rất chậm. Do đó, những doanh nghiệp xuất khẩu không bán được hàng, kéo theo ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng này. Thêm vào đó, các nguồn tài chính cũng đã bị cạn kiệt do phải chi phí rất nhiều trong giai đoạn dịch.

Chúng ta thấy, từ năm 2023 đến nay, thị trường trong nước chưa thực sự phục hồi. Sức cầu rất thấp kéo theo lượng tiêu thụ hàng của doanh nghiệp cũng thấp. Vì vậy, dòng tiền thu về của doanh nghiệp không đủ bù đắp các chi phí cho hoạt động một cách bình thường.

Chính sách hỗ trợ thuế, phí như
Chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ảnh minh họa: Nguyễn Lạc

Do đó, trước bối cảnh này, Chính phủ đã áp dụng chính sách tài khoá mở rộng, được điều hành chủ động, linh hoạt, nhằm ứng phó kịp thời với những biến động trong và ngoài nước, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Đặc biệt, việc áp dụng thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Điều này giúp cho doanh nghiệp sẽ giành được một nguồn lực về tài chính nhằm đảm bảo cho việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải chịu những gánh nặng, nghĩa vụ phải chi trả những khoảng nợ trước đây hay trước mắt.

Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần tăng cường quản lý và chống thất thu thuế, việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử đã được đẩy mạnh và được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính. Đến nay, toàn bộ doanh nghiệp và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên cả nước đã thực hiện đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử.

Đây cũng là giải pháp hỗ trợ quan trọng giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện “trụ lại” qua thời gian dịch, qua thời kỳ nền kinh tế khủng hoảng và đang trong quá trình phục hồi.

Việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa kết hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác đã tác động tích cực đến kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023. Cụ thể, tổng thu NSNN đạt khoảng 1.752,5 nghìn tỷ đồng, vượt 8,12% dự toán Quốc hội giao, chủ yếu do tăng thu từ một số khoản thu quan trọng như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, các khoản thu về nhà đất (trừ thu tiền sử dụng đất)…

PV: Năm 2024, chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn được tiếp tục thực hiện. Cụ thể, theo Nghị định 64/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/6/2024, các sắc thuế được gia hạn gồm: thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024; đồng thời thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%, trong 6 tháng cuối năm 2024. Theo ông, đây là điều thiết thực và vẫn cần thiết?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Kinh tế thế giới thời gian tới được dự báo có nhiều thời cơ và thách thức đan xen, các nền kinh tế lớn tiếp tục đối mặt với tình trạng tăng trưởng thấp. Ở trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi như kinh tế vĩ mô ổn định và hồi phục tích cực, các chính sách hỗ trợ tiếp tục phát huy tác dụng là những thách thức từ nội tại nền kinh tế như các vấn đề về năng lực, hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính sách hỗ trợ thuế, phí: Sóng đẩy thuyền lên
GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội khoá 15, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Thời gian qua, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn cả số doanh nghiệp gia nhập mới cộng với số doanh nghiệp quay trở lại.

Đồng thời, dư nợ tín dụng của ngân hàng khá thấp, lãi suất cho vay của các ngân hàng duy trì ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế những tháng đầu năm 2024 vẫn còn tương đối yếu, dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng khó khăn ở các ngân hàng. Điều này cho thấy, sức khoẻ doanh nghiệp ở giai đoạn đầu năm rất khó khăn. Do đó, một số doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường và một số doanh nghiệp ở lại cũng không có đủ sức để hấp thụ vốn tín dụng và phục hồi.

Tuy nhiên, tong bức tranh chung còn khó khăn, song vẫn có thể nhìn thấy những gam màu sáng. Kết quả 6 tháng đầu năm giúp chúng ta nhìn thấy tình thế đã có sự thay đổi, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường mới bắt đầu tăng lên. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường hay tạm đóng cửa cũng giảm xuống.

Hiện, chính sách tài khóa vẫn tiếp tục được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn nhưng Chính phủ duy trì các biện pháp hỗ trợ như gia hạn, giảm một số loại thuế phí. Còn ngân hàng thực hiện giải pháp giãn các khoản nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp. Chính những yếu tố này giúp cho doanh nghiệp có điều kiện để tiếp cận được cơ hội của thị trường bắt đầu phục hồi.

Tôi tin rằng, trong thời gian tới, thị trường kể cả trong nước và thế giới đang có dấu hiệu hồi phục khá tốt, các tín hiệu về lạm phát trên toàn cầu cũng giảm. Đặc biệt, một số ngân hàng trung ương như châu Âu đã bắt đầu cắt giảm lãi suất và trong tương lai gần FED cũng sẽ cắt giảm lãi suất. Đây chính là dấu hiệu để giúp cho nền kinh tế thị trường thế giới sẽ phục hồi trở lại và giúp cho sức cầu tăng lên, từ đó thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất trong nước. Đặc biệt là các khu vực mà chúng ta xuất khẩu sẽ tác động rất mạnh đến tăng trưởng kinh tế, cũng như tạo cơ hội việc làm, tạo cơ hội phục hồi phát triển doanh nghiệp.

Hiện nay, điều kiện tín dụng trong nước cũng đang khá thuận lợi để cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư. Vậy nên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện để phục hồi tốt và có thể sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Cần tạo xung lực mới cho nền kinh tế

PV: Trong bối cảnh hiện nay, việc gia hạn, giảm một số loại thuế phí được áp dụng thực hiện nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và để kích cầu tiêu dùng. Theo ông, việc duy trì chính sách hỗ trợ này sẽ duy trì trong bao lâu và về lâu dài chính sách tài khoá cần thực hiện như thế nào, để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Rõ ràng chính sách tài khoá mà Chính phủ đang thực hiện trong những năm qua và tiếp tục thực hiện trong năm 2024 chỉ là các giải pháp tạm thời và ngắn hạn.

Khi nền kinh tế đã phục hồi và khi sức khoẻ doanh nghiệp tương đối ổn định thì chúng ta phải thực hiện chính sách tài khoá trở lại bình thường. Có như vậy mới giúp tăng tính chất cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, để họ nâng cao năng lực của mình và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cho phục hồi và đặc biệt nắm bắt được các cơ hội của thị trường thế giới.

Tất nhiên khi đó, chính sách tài khoá không còn mở rộng đại trà như hiện nay, nhưng những hỗ trợ về mặt tài khoá cho phát triển, tôi nghĩ rằng Chính phủ vẫn phải tiếp tục thực hiện hướng vào các mục tiêu trọng tâm.

Chẳng hạn như, hỗ trợ cho các khu vực nhà ở xã hội, thu nhập thấp, các chương trình về an sinh xã hội, hoặc hỗ trợ cho các lĩnh vực đang cần ưu tiên thúc đẩy phát triển để tạo ra các động lực, xung lực mới cho nền kinh tế gồm: các ngành công nghệ cao, bán dẫn, một số lĩnh vực đầu tư then chốt để tạo động lực lan toả cho sự phát triển./.