Quốc gia siêu lạm phát Zimbabwe đang đau đầu với.. giảm phát

Đồng 1 triệu đô la Zimbawee - Ảnh: FT

Cũng giống như Anh, Nhật, Mỹ và các quốc gia đang chật vật với hậu quả của nhu cầu sụt giảm và giá dầu thấp, Zimbabwe đang bị đe dọa bởi viễn cảnh giá cả sụt giảm hơn là nguy cơ tăng giá.

Theo những ước tính lạc quan nhất của nền kinh tế mà những số liệu đưa ra còn đầy những mập mờ, giá tiêu dùng giảm 2-4% trong năm ngoái. Nhiều nhà kinh tế cho rằng giảm phát sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm 2016 do nhu cầu sụt giảm và các công ty gặp rắc rối về tài chính sẽ cắt giảm nhân viên và dừng trả lương.

Đất nước ở Nam Phi với 14 triệu dân này dừng in tiền đô la Zimbabwe năm 2009 và chuyển sang sử dụng các ngoại tệ mạnh, hiện đang chiếm lĩnh bởi đồng USD. Việc chuyển đổi từ đồng tiền yếu nhất sang đồng tiền mạnh nhất đã buộc Zimbabwe phải bắt đầu “nhập khẩu” giảm phát.

Tại trung tâm thủ đô Harare, chỉ cách đây không lâu, giá cả của một bữa ăn có thể leo thang chóng mặt trong khi bữa ăn vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình đã thay đổi, giá cả hàng hóa đã giảm đi nhiều số 0. Tại nhà hàng Chicken Inn, 2 miếng gà rán có giá 3$ và được thêm 1 miếng miễn phí.

Những người bán hàng rong bán một nải chuối với giá 1 USD, nho với giá 2 USD, thuốc lá với giá 1 USD. Một bình ga mini trước đây có giá 1,8 USD hiện được bán với giá 1,5 USD.

Sự sụt giảm giá cả ở Zimbabwe xảy ra rất khác thường. Quay trở lại năm 2008, khi lạm phát năm đạt mức 89.000.000.000.000.000.000.000%, một quả trứng có giá trên 1 tỷ đô la Zimbabwe.

Giảm phát là một dấu hiệu của tình trạng bất ổn có thể đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy sụt giảm nhu cầu và sản xuất. Theo liên minh công nghiệp Zimbabwe, công suất sản xuất của Zimbabwe đã giảm từ 57% năm 2011 xuống mức 34%.

Tồi tệ hơn đó là chính phủ không có công cụ tài chính để kích hoạt nền kinh tế đang phụ thuộc hoàn toàn vào dòng chảy ngoại tệ từ xuất khẩu và kiều hối. Không thể in tiền, ngân hàng trung ương không có trong tay bất kỳ chính sách tiền tệ độc lập nào. Chính phủ cũng không có nhiều dư địa cho chính sách tài khóa vì có tới gần 90% thu chính phủ được dùng để chi trả tiền lương.

Giảm phát cũng có nghĩa là sản xuất của nền kinh tế đang đình trệ. Giá cả đi xuống vì nền kinh tế không có tiền./.

Mai Linh (Theo Financial Times)