Bán hàng qua livestream đang bùng nổ
Theo các chuyên gia, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10 - 15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20 - 25% một năm, cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, thống kê của Bộ Công thương cho biết, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc.
Hiện nay, tốc độ tốc độ tăng trưởng của TMĐT tại Việt Nam đang duy trì từ 20-25% một năm. Ảnh minh họa. |
Hiện nay, chính sách thuế đối với thương mại điện tử của Việt Nam bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Trong những năm gần đây, chính sách thuế về thương mại điện tử đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.
Trong bối cảnh bán hàng qua livestream đang bùng nổ như hiện nay, việc quản lý thuế đối với hình thức này đang trở thành một thách thức lớn đối với cơ quan thuế.
Hàng nghìn cá nhân và doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh trực tuyến, tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube,… để quảng bá và bán sản phẩm. Hình thức này không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bán mà còn tạo ra nguồn doanh thu đáng kể cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc kiểm soát thuế đối với hoạt động này đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Hình thức livestream là một trong những hình thức quảng cáo sản phẩm và bán hàng. Hình thức này có nhiều tính năng nổi bật như là tiếng động, hình ảnh, hoạt động giao tiếp trực tiếp giữa người bán và người mua qua mạng internet. |
Điều này không chỉ tạo sự hấp dẫn mà còn giúp tăng tỷ lệ chốt đơn và tạo ra doanh thu cao hơn so với các hình thức bán hàng truyền thống. Vì vậy, việc xác định doanh thu thực tế của các cá nhân và doanh nghiệp bán hàng qua livestream là một thách thức không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều giao dịch không được công khai minh bạch.
Theo Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng, để tạo sự công bằng với các hình thức kinh doanh khác và đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream cần thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra, các cá nhân khác (blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, …) được trả hoa hồng từ việc thực hiện livestream bán hàng cũng phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Các cá nhân này sẽ chịu sự điều chỉnh của luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Nhiều giải pháp tối ưu
TMĐT phát triển nhanh, mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua; là phương thức hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối và là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Quản lý thuế đối với bán hàng qua livestream đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ảnh minh họa. |
Doanh thu thuế từ TMĐT tăng đều qua các năm. Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều biện pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu và kết nối với UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt, cơ sở dữ liệu từ các ngành như ngân hàng và viễn thông đã được đồng bộ, giúp công tác quản lý và thu thuế đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, TMĐT với tính linh hoạt và giao dịch xuyên biên giới đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi cần sự tối ưu hóa giải pháp quản lý thuế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của TMĐT. |
Để việc quản lý thuế đối với hình thức bán hàng qua livestream hiệu quả, cơ quan thuế Sóc Trăng có một số giải pháp như: áp dụng các công nghệ mới như Big data, AI,… để thống kê, phân tích, xác định doanh thu của các cá nhân, tổ chức thông qua bán hàng hóa, tiếp thị liên kết từ hoạt động livestream; thực hiện công tác phối hợp với các đơn vị quản lý khác như quản lý thị trường, hải quan, cơ quan điều tra để trao đổi thông tin và thực hiện phối hợp rà soát đối với các đối tượng có thu nhập từ các phiên livestream.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, sử dụng các tiêu chí phân tích rủi ro như: doanh thu lớn, thông tin, địa chỉ không rõ ràng,… Trên cơ sở đó, cơ quan thuế phân tích, đánh giá và lựa chọn các đối tượng có yếu tố rủi ro cao, các đối tượng có phát sinh thu nhập chênh lệch lớn để chú trọng, tập trung làm mẫu; khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Ngoài ra, đối với các trường hợp đã bị xử lý vi phạm về hành chính và xử lý hình sự, cơ quan thuế sẽ phối hợp với đơn vị báo chí, truyền thông để thông cáo rộng rãi; qua đó nâng cao tính tuân thủ và giảm áp lực về trách nhiệm rà soát của cơ quan thuế.
Quản lý thuế đối với bán hàng qua livestream không chỉ đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn là bước đi quan trọng trong xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng.