1.148 sản phẩm được hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, đến nay, trải qua 3 giai đoạn (2005-2010, 2011-2015 và 2016-2020), Chương trình 68 về cơ bản đã được xây dựng, phê duyệt và triển khai phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn của từng giai đoạn, cũng như định hướng, lộ trình đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hoạch định.

Kết quả, giai đoạn 2005-2010 có tổng số có 72 dự án được phê duyệt cho triển khai, tập trung vào công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức, phổ biến Luật Sở hữu trí tuệ; nghiên cứu các lý luận và kinh nghiệm quốc tế và điều tra, khảo sát đánh giá về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Giai đoạn 2011-2015 có tổng số có 203 dự án được triển khai, bao gồm: 87 dự án do Bộ KH&CN phê duyệt, quản lý và 156 dự án do các địa phương phê duyệt, quản lý.

Thành công của giai đoạn này là Chương trình 68 đã thúc đẩy việc hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương; hỗ trợ bảo hộ sáng chế cho các nhà khoa học; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho khối doanh nghiệp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đơn vị, doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ bảo hộ cho các sản phẩm chủ lực địa phương.

Tài sản trí tuệ - nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội
Tài sản trí tuệ - nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TL minh họa

Giai đoạn 2016-2020 đã có tổng số 269 dự án được triển khai, nhiều hơn 60 dự án so với giai đoạn trước; bao gồm: 52 dự án do Bộ KH&CN phê duyệt, quản lý và 217 dự án do các địa phương phê duyệt, quản lý.

Điểm nổi bật của giai đoạn 2016-2020 là các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã góp phần khẳng định vai trò của KH&CN, sở hữu trí tuệ với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng và huy động được nguồn lực lớn từ các địa phương, doanh nghiệp, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phê duyệt, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương.

Trong giai đoạn này, có 1.148 sản phẩm đã được hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể.

Có thể kể đến nhiều mô hình điểm, điển hình đáng ghi nhận trong thời gian qua như: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh tới cấp xã trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La; lồng ghép hiệu quả giữa sở hữu trí tuệ và sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh; phát triển tài sản trí tuệ gắn với khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống kinh đô Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế; sở hữu trí tuệ với chống biến đổi khí hậu của các tỉnh Tây Nam Bộ; định vị thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của tỉnh Lâm Đồng và rất nhiều địa phương tiêu biểu khác…

Nâng tầm giá trị tài sản trí tuệ Việt

Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, nhờ chú trọng tuyên tuyền về lợi ích của việc xây dựng tài sản trí tuệ nên nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân, chủ sở hữu sản phẩm đã ý thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý.

Đặc biệt, mới đây, ngày 12/3/2021, vải thiều Bắc Giang, sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, sự kiện quan trọng này đã đánh dấu bước tiến lớn, thiết lập một thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực quốc gia.

Việc Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn cũng minh chứng cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình; khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực, sẵn sàng sản xuất ra các sản phẩm theo tiêu chuẩn của những quốc gia “khó tính” trên thế giới.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020 việc hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực địa phương và sản phẩm OCOP, hoạt động hỗ trợ bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ cũng được chú trọng.

Trong khuôn khổ của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2020, Tập đoàn Dệt may, Hiệp hội Da giầy, Tập đoàn DABACO và nhiều doanh nghiệp khác đã được hỗ trợ triển khai các biện pháp quản trị tài sản trí tuệ và nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các địa phương đã hỗ trợ cho gần 10.000 lượt doanh nghiệp, một số địa phương triển khai rất hiệu quả các hoạt động này như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Bình Dương, Quảng Ninh...

Trong giai đoạn 2016 -2020, hoạt động hỗ trợ bảo hộ, áp dụng sáng chế cũng có nhiều dấu ấn đáng ghi nhận. Chương trình 68 phối hợp với các đơn vị tiến hành tư vấn hỗ trợ cao năng lực về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ của các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp; thúc đẩy việc sử dụng, khai thác thông tin sáng chế để tránh trùng lặp trong nghiên cứu. Trong khuôn khổ Chương trình 68, có 71 sáng chế, giải pháp hữu ích được hỗ trợ áp dụng vào thực tiễn đời sống, khai thác thương mại.