gt

Hiện tại, 21.705km quốc lộ đang được quản lý bảo trì bằng vốn ngân sách Trung ương

“Phân vai” rõ ràng, đúng quy định pháp luật

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), toàn bộ các quốc lộ hiện nay dài 24.885km gồm 21.705km đang được quản lý bảo trì bằng vốn ngân sách trung ương (bằng 87,2%); 946km đường đang cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới (bằng 3,8%); 2.234km đang được thực hiện trong các hợp đồng BOT (bằng 9%).

Trong số 21.705km quốc lộ, 4 cục quản lý đường bộ, Tổng cục ĐBVN thực hiện quản lý 8.564km (bằng 39,5%). Các sở giao thông vận tải (GTVT) quản lý 13.141km quốc lộ (bằng 60,5%) và gấp 1,5 lần chiều dài do 4 cục quản lý đường bộ thực hiện quản lý. Các quốc lộ giao sở GTVT quản lý, thực hiện công tác BTĐB chủ yếu là các quốc lộ ngắn, lưu lượng vận tải thấp.

Đối với việc quản lý các dự án BOT cao tốc mà Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tổng cục ĐBVN và các cục quản lý đường bộ thực hiện; quản lý các dự án BOT cao tốc do các tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ do sở GTVT các tỉnh thực hiện. Khi được ủy quyền, giao quản lý quốc lộ, các sở GTVT cập nhật thường xuyên hồ sơ quản lý cầu, đường; trực tiếp tổ chức quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ…

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, hiện các sở GTVT được giao làm chủ đầu tư các dự án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, sửa chữa khắc phục điểm đen, kiểm định, quan trắc công trình; tổ chức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng; giám sát, nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu; lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán các gói thầu bảo dưỡng quốc lộ. Tổng cục ĐBVN chủ yếu làm công tác chỉ đạo, điều hành và tổng hợp tình hình để báo cáo Bộ GTVT, các cơ quan cấp trên; thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu cầu đường, cho phép chuẩn bị dự án, duyệt dự án, quyết toán và thanh, kiểm tra. Trong suốt quá trình thực hiện, Tổng cục ĐBVN và các sở GTVT luôn phối hợp thực hiện nhiệm vụ tốt với nhau, các sở cũng không đề nghị thêm nhiệm vụ hoặc thắc mắc nào khác.

Còn các tuyến quốc lộ do các cục quản lý đường bộ thực hiện đều là các tuyến quan trọng, huyết mạch trong mạng lưới đường bộ, có tính liên kết cao giữa vùng miền, khu vực. Chất lượng quản lý quốc lộ của các cục quản lý đường bộ cũng cao hơn thể hiện trong việc lập, bảo quản, cập nhật thông tin hồ sơ quản lý cầu đường đầy đủ, kịp thời, nhờ đó chất lượng bảo trì tại các quốc lộ thực hiện tốt hơn so với các sở GTVT.

Đơn cử, nếu so sánh hiện nay, như: Sở GTVT Nghệ An, Sơn La, Điện Biên quản lý gần 1.000km quốc lộ nhưng tổng biên chế cả sở chỉ có khoảng 40 người, trong đó khoảng 15 biên chế làm công tác thanh tra. Trong khi, Cục Quản lý đường bộ IV có tổng biên chế cao hơn tại các phòng, đội thanh tra và nằm tại 8 chi cục quản lý đường bộ.

Giữ nguyên phân cấp, quản lý

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, việc phân cấp hoặc chuyển quốc lộ cho địa phương quản lý, bảo trì sẽ không giao được vốn trung ương cho các địa phương bảo trì được quốc lộ được phân giao do không đúng với Luật Ngân sách Nhà nước, vì Bộ GTVT không giao lại dự toán chi quản lý, bảo trì quốc lộ cho địa phương, do tỉnh không phải là đơn vị dự toán cấp dưới của Bộ GTVT. Điều này cũng không đúng với Luật Quản lý sử dụng tài sản công và các luật khác.

Còn trong trường hợp Quốc hội chuyển thẳng ngân sách trung ương về tỉnh để bảo trì quốc lộ, khi đó dự toán kinh phí bảo trì hàng năm sẽ do hội đồng nhân dân từng tỉnh quyết định, do đó sẽ chậm, không thống nhất triển khai bảo trì sửa chữa các đoạn đi qua từng tỉnh của một quốc lộ dẫn đến các hậu quả thiếu đồng bộ, chất lượng vận tải giảm; khó khăn trong việc thu thập, quản lý và lưu trữ hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý, lập quy hoạch mạng lưới đường quốc lộ, lập các dự án đầu tư xây dựng… Trên thế giới, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước, vùng lãnh thổ khác cũng phân chia hệ thống đường bộ thành quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và tiến hành quản lý, vận hành khai thác và bảo trì tương đồng với Việt Nam hiện nay.

Trên cơ sở đó, Tổng cục ĐBVN đề nghị áp dụng hình thức quản lý hệ thống quốc lộ như hiện nay, trong đó các quốc lộ quan trọng do các cục quản lý đường bộ trực tiếp quản lý. Các quốc lộ cấp hạng kỹ thuật thấp (cấp IV, V, VI), lưu lượng vận tải thấp, không kết nối với các cửa khẩu, cảng quốc tế thì tiếp tục ủy quyền cho sở GTVT quản lý. Đồng thời, phía Tổng cục ĐBVN cũng kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật về nội dung phân cấp, ủy quyền trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đối với hệ thống quốc lộ.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng ủng hộ về vấn đề sử dụng vốn thuộc ngân sách cấp tỉnh để đầu tư xây dựng các đoạn tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, thành phố, tuy nhiên cần xem xét phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp cần báo cáo Quốc hội sửa Luật Ngân sách Nhà nước” - ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trí Dũng – Văn Nam