Như vậy, Saigon Co.op đã không giành thắng lợi trong thương vụ mua lại Big C. Mới trong sáng nay, tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp, ông Diệp Dũng - Chủ tịch Hợp tác xã Thương mại Saigon Co.op cho biết khi BigC tuyên bố chuyển nhượng, Saigon Co.op đã lọt vào danh sách hai đơn vị được thương thảo mua lại. Tuy nhiên, thương vụ này thực hiện mua bán ở nước ngoài mà Saigon Co.op lại chưa có giấy phép đầu tư ra nước ngoài để thương thảo. Vì vậy, Saigon Co.op chưa thể tham gia vào thương vụ này ở bước cuối cùng.

Thương vụ mua lại BigC Việt Nam là một trong những thương vụ giá trị và tốn nhiều công sức của các “tay chơi” trên thị trường phân phối, bán lẻ nhất Việt Nam hiện nay. Trong đợt chào giá vòng 1, các nhà đầu tư đã nhận ra tiềm năng tăng trưởng của Big C và chào mức giá rất cao (khoảng gần 1 tỷ USD).

Lotte Group (Hàn Quốc), Central Group và TCC Holding (đều của Thái Lan), Saigon Co.op và Masan Group (Việt Nam) là những ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua này. Trong số hai ứng viên của Việt Nam là Saigon Co.op và Masan, đơn vị có khả năng mua được hơn là Saigon Co.op nếu xét về năng lực tài chính. Họ có thể sử dụng cả nguồn vốn tự có và vốn vay để tài trợ cho giao dịch này.

Tuy nhiên, với thông báo này của Central Group, phần thắng đã không về các doanh nghiệp Việt. Trước đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc doanh nghiệp Việt, hàng hóa Việt có thể thua ngay trên sân nhà một khi thị trường bán lẻ được kiểm soát bởi những doanh nghiệp nước ngoài./.

H.Y