Thế giới ghi nhận trên 394.000 ca mắc mới; Xét nghiệm quy mô lớn tại Bắc Kinh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (48.406 ca), Australia (44.953 ca) và Italy (40.522 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (132 ca), Italy (113 ca) và Đức (102 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 664.000 ca tử vong.

Trung Quốc mở chiến dịch xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn tại thủ đô Bắc Kinh

Ngày 7/5, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tiến hành đợt xét nghiệm mới COVID-19 với quy mô lớn và ngừng hoạt động thêm nhiều tuyến xe buýt cùng tàu điện ngầm trong bối cảnh nước này đã bước sang giai đoạn mới phòng chống dịch bệnh với các biện pháp phản ứng nhanh chóng và can thiệp sớm để ngăn ngừa biến thể Omicron rất dễ lây lan và khó nắm bắt.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết nước này trong ngày 6/5 ghi nhận 345 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó riêng tại Thượng Hải là 253 ca. Ngoài Thượng Hải, có 9 tỉnh thành của Trung Quốc ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 45 ca tại Bắc Kinh và 29 ca tại Hà Nam.

Về số ca không triệu chứng, trong ngày 6/5, Thượng Hải có 3.961 ca trong tổng số 4.275 ca tại Trung Quốc đại lục.

Ngày 7/5, giới chức Thượng Hải thông báo hoãn tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học thêm một tháng. Kỳ thi tuyển sinh đại học gần đây nhất được tổ chức là vào năm 2020 - thời điểm dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Lào mở cửa trở lại toàn bộ đất nước từ ngày 9/5

Chính phủ Lào ngày 7/5 tuyên bố nước này sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn đất nước đối với hoạt động xuất nhập cảnh phổ thông để thúc đẩy du lịch và kinh tế.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ Lào nêu rõ kể từ ngày 9/5, nước này sẽ mở cửa trở lại mọi cửa khẩu quốc tế đối với hoạt động xuất-nhập cảnh của công dân Lào, ngoại kiều, người nước ngoài và người không có quốc tịch; Cho phép công dân các nước có Hiệp định miễn trừ thị thực cả song phương và đơn phương với Lào được nhập cảnh Lào mà không cần xin thị thực; Công dân quốc gia không có Hiệp định miễn trừ thị thực với Lào có thể xin cấp thị thực tại Đại sứ quán, cơ quan lãnh sự Lào tại nước ngoài hoặc xin qua hệ thống thị thực điện tử hoặc xin thị thực tại chỗ ở các cửa khẩu quốc tế.

Thông báo cũng cho biết công dân Lào ngoại kiều, người nước ngoài và người không có quốc tịch từ 12 tuổi trở lên chưa có chứng nhận tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19 cần có xét nghiệm nhanh trong 48 giờ trước khi rời khỏi quốc gia khởi hành. Khi đến Lào, họ không cần xét nghiệm tại sân bay hoặc cửa khẩu đường bộ hoặc đường thủy.

Người có xác nhận tiêm chủng đầy đủ có thể nhập cảnh Lào mà không cần thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành, cũng như khi vừa nhập cảnh. Trong trường hợp người nhập cảnh Lào mắc COVID-19, họ phải tự trả chi phí điều trị.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy du lịch và kinh tế, Chính phủ Lào cũng cho phép mở các tụ điểm giải trí và karaoke, tuy nhiên cần phải chú trọng việc thực hiện biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19.

Trong thông báo mới kể trên, Chính phủ Lào cũng cho phép nối lại các hoạt động liên vận quốc tế như trước khi có dịch COVID-19, tuy nhiên yêu cầu Bộ Công chính và Vận tải Lào nghiên cứu và ban hành một văn bản hướng dẫn riêng về vấn đề này.

Thái Lan đặt mục tiêu công bố bệnh đặc hữu từ tháng 7

Thế giới ghi nhận trên 394.000 ca mắc mới; Xét nghiệm quy mô lớn tại Bắc Kinh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan

Bộ Y tế Thái Lan đặt mục tiêu công bố COVID-19 thành bệnh đặc hữu vào tháng 7 tới trong bối cảnh số ca mắc mới ở quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục giảm ở dưới 10.000 ca/ngày.

Phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, Thứ trưởng Bộ Y tế Sathit Pitutecha cho biết nếu các tiêu chí được đáp ứng, Bộ Y tế sẽ công bố COVID-19 là một bệnh đặc hữu vào ngày 1/7 theo kế hoạch. Theo đó, các quy định về đeo khẩu trang có thể được nới lỏng, nhưng điều này cũng sẽ phụ thuộc vào tình hình COVID-19 ở từng khu vực.

Tuy nhiên, ông Sathit lưu ý rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố khi nào COVID-19 sẽ được phân loại lại thành bệnh đặc hữu và đã bày tỏ lo ngại về những đột biến của virus gây bệnh này.

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, theo số liệu cập nhật sáng 7/5, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 8.450 ca mắc mới cùng 58 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc mới không bao gồm 10.467 ca có kết quả dương tính từ các xét nghiệm kháng nguyên. Như vậy, kể từ khi COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan vào đầu năm 2020, nước này đã xác nhận tổng cộng 4.316.769 ca nhiễm, trong đó có 29.034 người không qua khỏi.

Colombia triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư cho người trên 50 tuổi

Tổng thống Colombia Ivan Duque ngày 6/5 cho biết nước này sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho những người trên 50 tuổi.

Theo Bộ trưởng Y tế và Bảo trợ xã hội Colombia Fernando Ruiz, Tổng thống Duque nhấn mạnh việc tiêm liều vaccine thứ tư rất quan trọng để bảo vệ nhóm người trên và cứu sống họ. Người đứng đầu Colombia cho biết những người trên 50 tuổi có thể tiêm liều thứ tư sau khi tiêm liều thứ ba khoảng 4 tháng.

Theo Tổng thống Duque, đến nay hơn 83% dân số Colombia đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine, trong đó khoảng 70% đã tiêm đủ liều cơ bản. Trong khi đó, Bộ trưởng Ruiz cho biết có hơn 12,5 triệu người đủ điều kiện tiêm liều thứ tư, và việc triển khai chiến dịch tiêm chủng này sẽ giúp duy trì mức độ miễn dịch trong bối cảnh đất nước Colombia đang phục hồi đáng kể với tỷ lệ lây nhiễm thấp. Số liệu mới nhất của Bộ Y tế Colombia cho thấy quốc gia Nam Mỹ này hiện ghi nhận tổng cộng 6.093.645 ca COVID-19, trong đó 139.809 ca tử vong.

Peru triển khai chương trình tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho người trên 50 tuổi

Thông báo của Bộ Y tế Peru cho biết nước này sẽ triển khai chương trình tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho tất cả những người từ 50 tuổi trở lên nhằm tăng cường khả năng miễn dịch, mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát khá tốt tại quốc gia Nam Mỹ này trong thời gian gần đây.

Các đối tượng được tiêm mũi thứ tư có thể là công dân Peru hoặc người nước ngoài đang sinh sống ở nước này và đã được tiêm mũi vaccine thứ ba cách đây ít nhất là 5 tháng. Đến nay, cơ quan y tế Peru mới chỉ cấp phép tiêm mũi vaccine thứ tư cho những người trên 70 tuổi, nhân viên y tế hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Theo Bộ Y tế Peru, quyết định trên được đưa ra dựa trên cơ sở khuyến nghị của Ủy ban Tiêm chủng Quốc gia sau khi tham khảo những chương trình tương tự ở một số nước trên thế giới. Biện pháp này được thông báo một ngày sau khi Bộ Y tế Peru xác nhận quốc gia Nam Mỹ vừa phát hiện ra một dòng mới của biến thể Omicron, vốn không có đột biến mới hoặc khác với những biến thể trước đó và được đặt tên là BA.1.22. Dòng mới của biến thể Omicron được xác định ở tỉnh miền Nam Tacna và đã lây lan ra nhiều vùng khác nhau, bao gồm cả thủ đô Lima.

Theo thông kê mới nhất, Peru trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 151 ca mắc mới COVID-19 và 5 người tử vong. Hiện chỉ còn hơn 1.000 ca bệnh đang phải điều trị tại các cơ sở y tế. Đến nay, Peru đã tiêm hơn 72 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, trong đó có 16,3 triệu người - tương đương 57,1% dân số - đã được tiêm 3 mũi vaccine. Peru đang đứng ở vị trí thứ ba trong số các quốc gia Mỹ Latinh có tỷ lệ người dân hoàn thành phác đồ tiêm vaccine./.