Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Võ Văn Kiệt - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và đoàn công tác thành kính dâng hoa, dâng hương, tưởng nhớ công lao Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và đoàn công tác đã thành kính dâng hoa, dâng hương, dành phút mặc niệm để tưởng nhớ công lao Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt - hai người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Võ Văn Kiệt - Ảnh 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi cảm tưởng tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Võ Văn Kiệt - Ảnh 3.
Thủ tướng và đoàn công tác tham quan khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

Nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ" hỗ trợ người lao động

Tại hội trường công nhân của khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thăm, chúc Tết và tặng quà tới đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tại trung tâm văn hóa thông tin huyện Vũng Liêm, Thủ tướng và đoàn công tác đã thăm, chúc Tết, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 và trao 100 căn nhà tặng các hộ gia đình khó khăn của huyện Vũng Liêm và huyện Tam Bình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Võ Văn Kiệt - Ảnh 4.
Thủ tướng tặng quà đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn.

Thông báo, chia sẻ với bà con về tình hình đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Khi dịch COVID-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm xâm nhập sâu vào nước ta, trong lúc chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, chúng ta bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Dịch bệnh và các biện pháp hành chính đã ảnh hưởng tới đời sống người dân, các hoạt động kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng, tăng trưởng kinh tế quý III giảm hơn 6%.

Với sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cả nước đã đoàn kết, chung sức, chung lòng quyết tâm thực hiện "đa mục tiêu", vừa phòng, chống dịch COVID-19 để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh trật tự, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Võ Văn Kiệt - Ảnh 5.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong bối cảnh khó khăn, nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ" hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, người nhiễm COVID-19 đã được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả.

Chúng ta đã triển khai mạnh mẽ chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine và tổ chức thần tốc chiến dịch tiêm chủng miễn phí lớn nhất lịch sử, đưa Việt Nam "đi sau về trước", từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Chúng ta đã sơ kết, đúc rút kinh nghiệm, dần hình thành lý luận và công thức phòng, chống dịch sát tình hình và phù hợp điều kiện Việt Nam với 3 trụ cột (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức "5K+vaccine+thuốc+công nghệ+ý thức người dân và các biện pháp khác".

Cùng với đó, khi đạt độ bao phủ vaccine nhất định, Chính phủ đã ban hành, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP, chuyển hướng sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", đạt được những kết quả hết sức tích cực, kinh tế Việt Nam đã dần khởi sắc, GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so cùng kỳ, kéo GDP cả năm tăng 2,58%.

Các cân đối lớn được bảo đảm; thu đủ chi và thu tăng so với năm 2020; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; làm đủ ăn và có lương thực xuất khẩu; bảo đảm năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt; chuỗi cung ứng lao động được khôi phục nhanh sau khi đứt gãy.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ" hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, người nhiễm COVID-19 đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Cả nước đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Thủ tướng khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, không để ai bị bỏ phía sau trong quá trình phát triển.

Vĩnh Long chịu nhiều tác động nặng nề do dịch bệnh, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng đánh giá cao tỉnh với những biện pháp hỗ trợ hiệu quả người dân. Đã hỗ trợ số tiền trên 190 tỷ đồng cho trên 81.000 người lao động; hơn 33 tỷ đồng cho hơn 11.000 hộ kinh doanh; gần 7 tỷ đồng cho gần 13.800 hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do dịch bệnh.

Chăm lo cho người dân đón Tết đầm ấm, tươi vui

Năm 2022, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn là thời cơ và thuận lợi, dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp với các biến chủng mới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, chung lòng cùng cả nước thực hiện thắng lợi chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long.

Thủ tướng cho biết, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã dành một phần kinh phí khá lớn để đầu tư hạ tầng chiến lược cho ĐBSCL, Vĩnh Long và các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng để tạo không gian, động lực phát triển mới cho khu vực, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh…

Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Thủ tướng yêu cầu trước mắt, tiếp tục thần tốc, thần tốc hơn nữa thực hiện chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân đã được Thủ tướng Chính phủ phát động. Chính phủ đã xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan và đặc biệt là của Chủ tịch UBND các cấp trong chiến dịch tiêm chủng, Thủ tướng đề nghị bà con nhân dân tích cực tham gia giám sát việc thực hiện và tích cực tiêm vaccine để đạt mục tiêu đề ra, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm tăng nặng, giảm tử vong.

Trong quý I/2022 phải hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi, trong đó ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, công nhân lao động trong các khu công nghiệp… và nghiên cứu, tổ chức tiêm mũi thứ 4; trong tháng 1 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho các cháu từ 12 đến 17 tuổi; nghiên cứu và tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi. Trên cơ sở đó, tự tin mở cửa an toàn, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ, tổ chức, chăm lo cho người dân đón Tết đầm ấm, tươi vui, an toàn, bù đắp lại những khó khăn, mất mát do dịch bệnh và vận động người dân sớm trở lại làm việc sau kỳ nghỉ, phối hợp đưa người lao động trở lại các thành phố lớn để thiết thực góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội sau những tác động nặng nề của dịch bệnh, chăm lo người có công, hộ nghèo, cận nghèo, các hộ khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, các anh, chị, em công nhân lao động khó khăn, các cháu bị mồ côi do dịch COVID-19…, rà soát lại để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, mọi người đều có điều kiện vui xuân đón Tết cùng gia đình.

Thủ tướng mong muốn bà con đi về đón Tết trật tự, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, đề cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch, nhất là trong dịp Tết.