trang 6

Cán bộ hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn DN mở tờ khai.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính Phạm Tuấn Anh đã chia sẻ như vậy tại buổi họp báo giới thiệu hệ thống văn bản hướng dẫn Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Luật thuế XNK), do Bộ Tài chính tổ chức ngày 5/10/2016.

* PV: Được biết hệ thống văn bản hướng dẫn Luật thuế XNK có đến 11 nghị định tập trung vào việc thực hiện FTAs, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Ông Phạm Tuấn Anh: Luật thuế XNK được xây dựng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến chính sách thuế, hoạt động XNK thì mục tiêu đặc biệt quan trọng được đặt ra là nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết tại FTAs.

Luật thuế XNK có phạm vi ảnh hưởng rộng với 13 nghị định và 1 quyết định, trong đó có 11 nghị định ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt tập trung vào hướng dẫn thực hiện các cam kết FTAs mà Việt Nam là thành viên.

Trong số 11 nghị định, có 10 nghị định được nâng cấp từ các văn bản, thông tư hiện hành, đã hướng dẫn thực thi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Thành tố mới tại thời điểm này là nghị định 137/2016/NĐ-CP thực thi các cam kết quốc tế Hiệp định Liên minh kinh tế Á - Âu, có hiệu lực từ 5/10/2016.

ong tuan anh

Ông Phạm Tuấn Anh

* PV: Việc thực hiện FTAs đã tác động thế nào đến hoạt động XNK hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là Hiệp định Liên minh kinh tế Á - Âu bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10 này, thưa ông?

- Ông Phạm Tuấn Anh: Thực hiện FTAs nên nhìn nhận theo hướng tích cực, mở ra cơ hội cho các DN tiếp cận thị trường rộng lớn thông qua việc cắt giảm hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng hiện đang có mức thuế suất nhập khẩu cao, giúp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các nước có tiềm năng cạnh tranh trong khu vực, đồng thời góp phần tăng đáng kể kim ngạch XNK của Việt Nam sang các thị trường đối tác lớn. FTAs bao giờ cũng có tính hai mặt, thách thức và cơ hội cho DN Việt Nam. Đối với từng FTA, theo yêu cầu của các bên đối tác thì mỗi FTA sẽ có thỏa thuận cân bằng lợi ích riêng.

Đối với Hiệp định Liên minh kinh tế Á - Âu, trong giai đoạn 2016 - 2018, Việt Nam sẽ cắt giảm 5.000 dòng thuế theo cam kết. Ở chiều ngược lại, các nước đối tác cũng mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn thông qua việc cắt giảm hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng hiện đang có mức thuế suất nhập khẩu cao…

Với thị trường này, Việt Nam có nhiều mặt hàng thế mạnh trong xuất khẩu như thủy sản, dệt may, giày dép, sản phẩm công nghiệp nhẹ.

* PV: Với việc 11 FTA có hiệu lực, các dòng thuế giảm nhanh theo cam kết, vậy nguồn thuế XNK sẽ chịu sự tác động thế nào và ảnh hưởng ra sao đến ngân sách quốc gia trong thời gian tới, thưa ông?

- Ông Phạm Tuấn Anh: Đến nay chúng ta đã ký kết 12 FTA và thực thi 11 FTA, với phạm vi thực thi cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì quá trình giảm tỷ trọng thu từ thuế XNK là điều tất yếu và đã diễn ra từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, việc giảm thuế sẽ diễn ra theo lộ trình hàng chục năm. Thông thường các cam kết của Việt Nam, 90% dòng thuế sẽ đưa về 0% trong lộ trình 10 năm, có nhiều FTA có khung thời gian dài cỡ 10 -15 năm, bên cạnh đó, đối với những mặt hàng nhạy cảm mà Việt Nam đang áp dụng hạn ngạch thuế quan sẽ được kéo dài hơn, khung thời gian 16 - 17 năm.

Theo dõi quá trình thực hiện FTAs, tuy mức thuế giảm nhưng tỷ lệ các dòng thuế được hưởng ưu đãi từ FTAs sẽ tăng dần lên. Hiện nay, tỷ lệ hàng hóa đáp ứng yêu cầu được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt theo FTAs dao động từ 30 - 60% tùy theo hiệp định. Như vậy, việc giảm thu này không diễn ra đột ngột và giảm theo lộ trình hợp lý theo cam kết của FTAs. Bộ Tài chính sẽ phát triển nguồn thu từ hoạt động kinh tế nội địa để cân đối, bù đắp khoản giảm thu từ thuế XNK.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Tổng cục Hải quan, số thu thuế XNK chiếm 8%/tổng thu ngân sách quốc gia. Giai đoạn 2016 - 2020 số thu thuế XNK ước chừng giảm xuống, chỉ chiếm 6 - 7%/tổng thu ngân sách quốc gia.

Bảo Châu - Hải Linh (thực hiện)