Ngày 23/11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Tổ chức Lao động Quốc tế phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn về dự báo và phát triển kỹ năng để thúc đẩy việc làm thoả đáng và nâng cao năng suất lao động của ngành dệt may. Đây là dịp để các bên thu nhập ý kiến góp ý cho việc hoàn thiện văn kiện dự án "Tương lai việc làm ngành dệt may: Dự báo và phát triển kỹ năng để thúc đẩy việc làm thỏa đáng và nâng cao năng suất lao động".
Nâng cao kỹ năng giúp lao động thích ứng với sự thay đổi
Tại hội thảo, ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, sau 2 năm phải đối mặt với dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam bước đầu vượt qua khó khăn, phục hồi. Nhiều ngành kinh tế bước đầu khởi sắc trở lại, ví dụ như ngành dệt may. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng hơn 40 tỷ USD, thu nhập trung bình của lao động trong lĩnh vực dệt may khoảng 3.800 USD/người/năm.
Tuy nhiên, thực tế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với những tác động của các hiệp định toàn cầu đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới việc nâng cao kỹ năng nghề cho lao động. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhiều ngành nghề mới xuất hiện, một số ngành nghề cũ sẽ bị mất đi, điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự thích nghi rất lớn.
"Mục tiêu dài hạn của chúng ta là phát triển thị trường lao động bền vững, linh hoạt hài hòa. Một trong những vấn đề quan trọng nhằm giúp xây dựng một thị trường lao động bền vững hiệu quả có đóng góp của bên cung - lao động. Việc kết nối dự báo nhu cầu lao động đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng đào tạo kỹ năng cho người lao động"- ông Bình nói.
Từ thực tế đó, năm 2021 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển GDNN. Hiện nay các cơ sở GDNN mỗi năm đào tạo nghề cho 2,2 triệu người. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu đào tạo từ các cơ sở GDNN, chưa kể con số mà các doanh nghiệp đào tạo. Mục tiêu của GDNN trong giai đoạn mới là mỗi năm đào tạo nghề cho 5 triệu người.
Trong bối cảnh đó, ngành dệt may cũng đối mặt với nhiều thách thức. Từ việc thiếu hụt lao động cho tới việc các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng dẫn tới phải cắt giảm lao động, cho lao động tạm ngưng việc...
Do đó, để nâng cao năng suất lao động, duy trì việc làm bền vững, các doanh nghiệp cần phải hỗ trợ để nâng cao kỹ năng cho lao động trong ngành dệt may.
Lao động làm trong ngành dệt may chủ yếu là lao động phổ thông, chưa có kỹ năng nghề. Ảnh: QA |
Giải pháp nâng cao kỹ năng nghề cho lao động làm nghề dệt may
Theo ông Nguyễn Văn Cường – Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay cả nước có gần 2.000 cơ sở GDNN, trong đó các cơ sở GDNN có đào tạo ngành dệt may là 584 trường (cả trung cấp, cao đẳng). Các cơ sở GDNN đào tạo ngành dệt may tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Với quy mô này, mỗi năm ngành dệt may đào tạo cho khoảng hơn 39.000 lao động, trong đó đào tạo sơ cấp cho hơn 20.000 người và trung cấp cho hơn 15.000 người; cao đẳng là gần 4.000 người.
Hiện nay, Tổng cục GDNN cùng với ngành dệt may cũng hình thành hệ thống đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Theo đó, quy trình đánh giá gồm nhiều bước.
Để đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp xã hội và hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải xây dựng ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Tiếp đó là xây dựng bộ công cụ đánh giá; thực hiện đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động. Cuối cùng là công nhận thừa nhận năng lực của người lao động. Kết quả, các bên đã ban hành hơn 2.000 bộ tiêu chuẩn KNNQG; hơn 100 bộ công cụ đánh giá; gần 2.000 đánh giá viên...
Dù đã có nhiều giải pháp nâng cao kỹ năng nghề cho lao động, nhưng thực tế lao động làm nghề dệt may có kỹ năng nghề thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp, tiền lương lao động chưa cao.
Từ thực trạng trên, ông Cường đưa ra khuyến nghị cần tăng cường gắn kết nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động làm nghề dệt may. Thực hiện các mô hình gắn kết, các hội đồng kỹ năng. Chính sách gắn kết phải trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia. Đồng thời linh hoạt trong việc xây dựng các mô hình đào tạo từ xa, tự hướng dẫn, đào tạo tại doanh nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Toàn - Viện khoa học Lao động và xã hội thì cho rằng việc phát triển kỹ năng và sử dụng kỹ năng là vấn đề quan trọng đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Bối cảnh thay đổi nhiều mặt đặt ra những thay đổi về kỹ năng. Thực tế cho thấy có sự mất cân bằng giữa các kỹ năng và trình độ có sẵn trên thị trường lao động và từ nhu cầu của thị trường lao động.
Hiện nay, hoạt động dự báo cung - cầu lao động và dự báo lao động theo nhóm trình độ chuyên môn, kỹ thuật đã và đang được nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện.
'Tôi cho rằng cần dự báo nhu cầu lao động ngành dệt may theo các kịch bản về thay đổi công nghệ, tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu. Đồng thời cần đánh giá hiện trạng về kỹ năng cũng như sự phù hợp về kỹ năng trong ngành dệt may dựa trên trình độ chuyên môn, kỹ thuật và nghề. Tiếp đó có thể đánh giá về hiện trạng việc làm thỏa đáng cho ngành dệt may và xây dựng các mô hình dự báo cầu lao động cho ngành dệt may từ các số liệu thống kê"- ông Toàn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia thống nhất tầm quan trọng trong việc dự báo kỹ năng và nhu cầu kỹ năng là cần thiết cho nhà hoạch định chính sách, cơ sở đào tạo, người lao động và doanh nghiệp. Đây là cơ sở để làm tốt hơn việc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho lao động làm trong ngành dệt may. |