Ngọc Vũ

Uber Trung Quốc đang lỗ hơn 1 tỷ USD mỗi năm - Ảnh: Irishtimes

Hồi tháng trước, Uber lần đầu tiết lộ họ đang phải chịu khoản lỗ khổng lồ đến hơn 1 tỷ USD mỗi năm tại đất nước đông dân nhất hành tinh, do phải tham gia vào cuộc chiến cạnh tranh giá với đối thủ cực mạnh ở nội địa là Didi Kuaidi. CEO Kalanick cho biết Trung Quốc hứa hẹn là thị trường tăng trưởng ‘nóng’ nhất nhưng cũng phức tạp nhất, và tin tưởng sự đầu tư của mình ở đây là “hoàn toàn bền vững”.

“Chúng tôi chỉ cần 30 thành phố dẫn đầu là đã đạt lợi nhuận hơn 1 tỷ USD. Và con số này sẽ tăng gấp bội sau mỗi năm, bởi Uber đang không ngừng lớn mạnh” – vị doanh nhân tài ba khẳng định bên lề diễn đàn công nghệ Boao Forum đang diễn ra ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Rất nhiều thành phố khác trong số 400 địa điểm mà Uber có mặt cũng đã sinh lợi lớn, ông nói thêm. “Điều này giúp chúng tôi đầu tư lâu bền vào thị trường Trung Quốc. Chúng tôi vẫn sẽ ‘chiến đấu’ tại đây lâu dài, vì Uber đã đạt lợi nhuận lớn trên toàn cầu”.

Cả 2 hãng Uber và Didi Kuaidi - được “chống lưng” bởi 2 “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Tencent và Alibaba, đều đã đầu tư rất nhiều để giảm giá cước nhằm giành thị phần, đặt cuộc lớn vào thị trường vận tải lớn nhất thế giới. Chiến lược này dường như đang tỏ ra có hiệu quả đối với Uber. Thị phần của họ tại đây đã không ngừng phát triển, từ chỉ 1-2% hồi tháng 1 năm 2015 tăng lên khoảng 30% hiện nay – ông Kalanick nhận xét.

Tuy vậy, vào đầu tháng 3, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã nhận xét rằng chính sách giảm giá cước và hỗ trợ tiền lương cho lái xe là cạnh tranh không lành mạnh, và sẽ không bền vững về lâu dài.

uber

CEO Kalanick vẫn tràn đầy tự tin vào tương lai của Uber Trung Quốc- Ảnh: Fortune

Tháng 9 năm ngoái, Uber bắt đầu thử nghiệm dịch vụ hoàn toàn mới của họ có tên là UberCOMMUTE tại thành phố Thành Đô. Ứng dụng này cho phép các lái xe tham gia chia sẻ lộ trình hàng ngày của họ, sau đó những người khác nếu có cùng điểm đến trên đường đi đó có thể yêu cầu được đi chung. Tuy gần giống với các dịch vụ khác của Uber trước đây là đi nhờ xe, nhưng những người tham gia không cần đăng ký với Uber để trở thành tài xế cho dịch vụ. UberCOMMUTE hứa hẹn có thể cạnh tranh được với các phương tiện công cộng như xe buýt, do giá thành rất rẻ.

“Nếu chúng tôi đưa ra một dịch vụ mới ở Hoa Kỳ, nó sẽ nhanh chóng bị sao chép ở Trung Quốc, và chúng tôi sẽ trở thành người đi sau tại đây. Vì vậy, Uber sẽ đưa ra những cải tiến sáng tạo mới nhất tại Trung Quốc đầu tiên” – Kalanick giải thích để nhấn mạnh sự cạnh tranh khốc liệt ở đây. Hồi đầu năm nay, Uber Trung Quốc đã đạt giá trị trên 8 tỷ USD sau khi có thêm hơn 1 tỷ USD từ vòng gọi vốn mới nhất.

Vị CEO của Uber cũng nhận định cho đến nay hãng không phải đối mặt với những thách thức pháp lý ở thị trường đông dân nhất hành tinh, có lẽ bởi chính phủ ở đây đang cố gắng đổi mới, và Uber phù hợp với chiến lược phát triển của họ. Kalanick từ chối trả lời câu hỏi liệu khi nào start-up đắt giá nhất thế giới mới có được lợi nhuận tại Trung Quốc, nhưng ông và các cộng sự vẫn đang dốc toàn lực để giành thị phần ở đây.

“Chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu để biến những điều không thể thành có thể. Sự phiêu lưu có mục đích chính là điểm mạnh của Uber” – CEO Kalanick nhận xét./.

Ngọc Vũ (theo Reuters/TechCrunch)