VIMC doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững
Sản lượng hàng hoá thông qua khối các biển của VIMC tăng trưởng. Ảnh: Hữu Tú

Các chỉ tiêu đều vượt mức kế hoạch đề ra

Thông tin từ VIMC cho biết, sản lượng vận tải biển của VIMC đạt 9,5 triệu tấn, bằng 60% kế hoạch năm 2024; sản lượng thông qua cảng đạt 72 triệu tấn, bằng 59% kế hoạch năm 2024; doanh thu toàn VIMC đạt 12.876 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch năm 2024; lợi nhuận toàn tổng công ty đạt 2.818 tỷ đồng, bằng 84% kế hoạch năm 2024. Về công tác phát triển thị trường, VIMC đã triển khai tích cực các giải pháp nhằm duy trì và tăng trưởng thị phần. Hệ thống cảng biển VIMC tiếp tục phát triển thêm các tuyến dịch vụ container mới tại các cảng Đà Nẵng, Quy Nhơn, CMIT, SSIT…

Đặc biệt, các dự án đầu tư cảng biển của VIMC đã đạt được những bước tiến quan trọng. Đối với dự án bến container số 3,4 cảng Lạch Huyện, VIMC đã hoàn tất đàm phán và ký kết thỏa thuận thành viên, ký kết các điều khoản chính của hợp đồng dịch vụ cảng biển với đối tác MSC/TIL. Song song đó, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã ký kết JVA thành lập công ty phát triển dự án.

Đối với hoạt động vận tải biển, VIMC đã theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải biển có giải pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo hiệu quả hoạt động, đồng thời lựa chọn thời điểm phù hợp để quyết định thanh lý tàu, đầu tư phát triển đội tàu mới, doanh thu thanh lý đạt 563 tỷ đồng. Các hoạt động mới, hoạt động ngoài truyền thống cũng được đẩy mạnh triển khai và mang lại doanh thu khả quan, đóng góp tích cực vào tổng doanh thu. 6 tháng đầu năm 2024, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam ghi nhận 1.777 tỷ đồng từ hoạt động thương mại than...

Tiến tới cảng thông minh, cảng “xanh”

Cũng từ đầu năm 2024 đến nay, các cảng biển trực thuộc VIMC tích cực triển khai các bước chuẩn bị để từng bước hướng tới mô hình cảng xanh. Trong đó, cảng Quy Nhơn triển khai hàng loạt dự án đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong đó, cải tạo nhiều hệ thống chuyển sang dùng năng lượng xanh như: Đầu tư xe nâng forklift, hệ thống kiểm soát nhiên liệu giai đoạn 3.

Việc dùng các thiết bị chạy bằng điện giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành hơn nhiều so với chạy bằng dầu diesel. Đơn cử, khi bốc xếp 1 mã hàng hóa có thể tốn khoảng 2 - 3 lít dầu diesel, tương ứng 30 - 40 nghìn đồng. Vẫn mã hàng đó, nếu bốc dỡ bằng thiết bị chạy bằng điện chỉ tốn 2 - 3 số điện, khoảng 6 - 7 nghìn đồng. Nếu dùng điện, hao mòn của phương tiện thiết bị ít hơn nhiều so với chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Từ đó, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị cũng tiết kiệm hơn. Nhiều cảng biển cũng đang dần chuyển đổi các phương tiện, thiết bị từ dùng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện để giảm phát thải CO2, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cảng thông minh…

Tại Hải Phòng, nhiều cảng biển đang được đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để khai thác cảng. Tất cả các doanh nghiệp cảng container đều trang bị phần mềm tiên tiến để quản lý điều hành khai thác. Việc này đã rút ngắn thời gian xếp, dỡ hàng hóa, giảm thời gian tàu nằm chờ tại cảng, giúp tăng năng suất, sản lượng hàng hóa thông qua cảng.

Tại miền Trung, cảng Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt sáng kiến chuyển đổi số nhằm tiết kiệm thời gian, xóa bỏ các thủ tục giấy, giúp khách hàng thuận tiện giao dịch thông qua môi trường số. Cảng Đà Nẵng dùng nhiều ứng dụng như cảng điện tử ePort, cổng container tự động AutoGate, trạm nhiên liệu tự động. Nhiều phương tiện thiết bị tại cảng cũng đã và đang chuyển sang dùng điện như các phương tiện bốc xếp, xe buýt nội bộ, xe kéo...