ipc

Trụ sở của công ty IPC.

Liên quan đến các vụ án lớn về kinh tế xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, vừa qua tại Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi.

Trong đó, khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến Tổng công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (viết tắt là Tổng công ty IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Công ty SADECO), vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận” (Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận).

Bán vốn nhà nước không qua đấu giá

Tổng công ty IPC thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh là công ty mẹ của Công ty SADECO. Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cử ông Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện làm đại diện vốn và tham gia Hội đồng quản trị tại Công ty SADECO nhiệm kỳ 2014 - 2019. Công ty IPC cử 5 cá nhân đại diện vốn tại Công ty SADECO, trong đó có ông Tề Trí Dũng (giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị SADECO) và bà Hồ Thị Thanh Trúc (Tổng Giám đốc SADECO).

Trong năm 2015, Tổng công ty IPC tiến hành đấu giá bán vốn tại Công ty SADECO. Công ty cổ phần bất động sản Exim là nhà đầu tư trúng đấu giá, mua số lượng 5.235.683 cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), sau đó Công ty Nguyễn Kim đã mua lại toàn bộ số cổ phần này với tổng giá trị 287,96 tỷ đồng. Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của Tổng công ty IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại Công ty SADECO thì phải thực hiện đấu giá, nhưng các cá nhân liên quan tại Văn phòng Thành ủy, Tổng công ty IPC, SADECO đã đồng ý phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần mà không qua thẩm định giá và đấu giá, gây thiệt hại cho Công ty SADECO và vốn nhà nước hơn 1.103 tỷ đồng.

Trong đó, ông Tất Thành Cang, lúc này đang là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh có bút phê “đồng ý” vào tờ trình của Văn phòng Thành ủy với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho 1 cổ đông chiến lược là sai quy định. Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá, nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá.

Bản thân ông Tất Thành Cang là người có chức vụ cao nhất trong các bị can bị khởi tố, có ảnh hưởng lớn, có vai trò trách nhiệm hàng đầu liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, do ông Tất Thành Cang chỉ quyết định đối với phần vốn của Văn phòng Thành ủy, chưa có tài liệu thể hiện ông Tất Thành Cang chỉ đạo đối với phần vốn còn lại nên về trách nhiệm dân sự, bị can phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với phần vốn của Văn phòng Thành ủy tại Công ty SADECO là 184,224 tỷ đồng.

Đối với tội “Tham ô tài sản”, theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2016, 2017, 2018, Công ty SADECO trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thông qua thù lao Hội đồng quản trị, Ban kiểm sát. Thay vì quản lý, sử dụng đúng mục đích theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, đã để một số cá nhân chiếm đoạt, chi không đúng mục đích dưới danh nghĩa đi nghỉ mát, học tập.

Xử lý nghiêm sai phạm

Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh, vụ án tại Công ty SADECO có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, sai phạm ở nhiều lĩnh vực, nhiều hành vi phạm tội khác nhau, liên quan nhiều đơn vị, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Các cá nhân sai phạm giữ vị trí cao, chủ chốt, quan trọng tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Vụ án được các cấp lãnh đạo quan tâm, việc xử lý vụ án được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Về khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản, sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra thành phố và tiến hành điều tra, các cá nhân liên quan đã thanh lý hợp đồng mua 9 triệu cổ phần, Công ty Nguyễn Kim hoàn trả lại số cổ phần đã mua cho Công ty SADECO và nhận lại số tiền 360 tỷ đồng. Thông qua đó, cơ quan chức năng đã thu hồi tài sản thất thoát, thiệt hại cho Công ty SADECO trị giá hơn 1.103 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty Nguyễn Kim còn tự nguyện trả lại thêm cho Công ty SADECO hơn 32 tỷ đồng là lãi phát sinh từ tiền gửi ngân hàng do Công ty Nguyễn Kim thanh toán trong việc mua 9 triệu cổ phần nói trên. Trong khi đó, việc sử dụng tiền thù lao, quỹ khen thưởng Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm sát tại Công ty SADECO, các cá nhân liên quan đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ, không loại trừ trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội đã hoàn thành.

Tại vụ án này, vào tháng 10/2018, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh ban hành Kết luận thanh tra số 33/KL-TTTP-P6 sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an thành phố. Đến tháng 5/2019, vụ việc mới được khởi tố hình sự vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can. Có tới 21 cán bộ, nhân viên trong đó có có cán bộ chủ chốt của Tổng công ty IPC, Công ty SADECO lần lượt bị khởi tố, bắt giam. Nhưng đến nay, gần 3 năm sau khi các cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Liên quan đến sai phạm của ông Tất Thành Cang, vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã phê chuẩn Quyết định khởi tố của Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh, đối với 4 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Ngoài ông Tất Thành Cang còn có 3 bị can gồm ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy; Huỳnh Phước Long, nguyên Trưởng phòng Phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy và ông Phan Thanh Tân, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy. Ông Tất Thành Cang, ông Phạm Văn Thông và Huỳnh Phước Long còn là bị can trong vụ án tại Tổng công ty IPC và SADECO.

Theo Cơ quan An ninh điều tra, Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận là doanh nghiệp có 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, được thành lập năm 2004 và có trụ sở đặt tại Quận 7. Tháng 8/2009, UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận làm chủ đầu tư dự án khu dân cư Phước Kiển tại huyện Nhà Bè. Tháng 4/2017, Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận ký công văn gửi Văn phòng Thành ủy đề nghị được hợp tác cùng Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đầu tư dự án khu dân cư Phước Kiển có mức đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2017, Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đã chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại dự án cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai chỉ với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng. Giá này được cho là rẻ bất thường, nếu bán theo thị trường có thể thu cho ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng. Sau khi thẩm định lại, giá trị khu đất được xác định phần lớn là đất nông nghiệp, trong trường hợp nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị toàn khu đất là hơn 574 tỷ đồng. Theo cách tính này, Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận gây thất thoát cho ngân sách hơn 150 tỷ đồng. Đến tháng 12/2017, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu đàm phán lại, sau đó hợp đồng chuyển nhượng khu đất đã được hủy bỏ.

Trên thực tế, các cơ quan điều tra, tố tụng TP. Hồ Chí Minh đã tập trung điều tra, xử lý các vụ án trên. Tuy vậy, đây đều là những vụ án kinh tế phức tạp, có sự liên quan tới nhiều cựu quan chức, lãnh đạo của TP. Hồ Chí Minh nên công tác điều tra, xác minh được thực hiện thận trọng, cẩn thận. Như trong vụ án tại Tổng Công ty IPC và SADECO liên quan đến cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã 2 lần trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung, nỗ lực làm rõ tất cả các tình tiết, chứng cứ trong vụ án, bảo đảm đủ căn cứ truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Theo TTXVN