Ả Rập Saudi “cực chẳng đã” phát hành trái phiếu quốc tế lần đầu do giá dầu giảm sâu

Ả Rập Saudi đã đưa ra quyết định sẽ phát hành trái phiếu quốc tế lần đầu tiên để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách. Ảnh Reuters

Các quan chức của Ả Rập Saudi cho biết, quốc gia này sẽ tăng tỷ lệ nợ công lên 50% GDP trong vòng 5 năm tới, từ mức dự báo chỉ 6,7% trong năm nay và 17,3% trong năm 2016.

Kế hoạch phát hành trái phiếu được dự kiến sẽ bắt đầu giai đoạn hoàn tất vào tháng 1 tới, tờ Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao. Trong khi các ngân hàng vẫn chưa nhận được bất kỳ chỉ đạo gì, một vài ngân hàng đã gửi các đề xuất đến chính phủ hướng dẫn việc tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế.

Ả Rập Saudi cũng đang có kế hoạch thành lập một cơ quan quản lý nợ để giám sát việc phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế.

Tỷ lệ nợ công vẫn còn ở mức rất thấp – và việc tham gia vào thị trường trái phiếu quốc tế sẽ là một cách hiệu quả để có được nguồn lực tài chính mà không làm suy giảm thanh khoản của các ngân hàng trong nước, Monica Malik, kinh tế trưởng của ngân hàng thương mại Abu Dhabi cho biết.

Quyết định tham gia vào thị trường trái phiếu quốc tế đã cho thấy ảnh hưởng của việc giá dầu sụt giảm từ 115 USD/thùng xuống mức hiện tại 50 USD/thùng lên thu ngân sách của vương quốc này, cũng như chi phí can thiệp quân sự tốn kém ở Yemen.

Trong vòng 1 năm qua, dự trữ ngoại hối của Ả Rập Saudi đã sụt giảm từ mức 737 tỷ USD xuống 647 tỷ USD được ghi nhận vào tháng 9 – mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Kể từ mùa hè vừa qua, Ả Rập Saudi đã bắt đầu phát hành trái phiếu nội địa để bù đắp cho thâm hụt ngân sách. Chính phủ cho biết việc phát hành trái phiếu nội địa có thể kéo dài thêm 12-18 tháng, tuy nhiên, cần phải phát hành trái phiếu quốc tế để đảm bảo thanh khoản trong nước./.


Mai Linh (Theo Financial Times)