Đầu tư tái canh cây cà phê một trong những chương trình trọng điểm trong đầu tư vốn của Agribank. Ảnh: Viết Chung
Thực hiện đúng cam kết
Lãnh đạo Agribank chia sẻ, ở Việt Nam, theo Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2014-2020 cần trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 120.000 ha, trong đó tái canh 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha. Cụ thể: Lâm Đồng 45.600 ha, Đắk Lắk 29.600 ha, Đắk Nông 24.500 ha...
Vào cuộc cùng chính quyền địa phương và người dân tìm lối ra cho cây cà phê già cỗi, theo đó tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013, Agribank đã ký Biên bản ghi nhớ và hợp đồng tín dụng nguyên tắc với UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, xây dựng phương án kế hoạch đầu tư vốn cho tái canh cây cà phê già cỗi, với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 1-2%/năm, thời hạn cho vay là 5-7 năm.
Lãnh đạo Agribank cũng cho biết, là ngân hàng chủ lực trong đầu tư tín dụng cho “Tam nông”, đến nay, Agribank cho vay đầu tư tái canh cà phê tại Tây Nguyên đạt trên 710 tỷ đồng, số diện tích cà phê đã tái canh đạt 8.305 ha. Trong đó nổi bật lên vai trò của Agribank Chi nhánh Lâm Đồng đối với Chương trình này.
Cụ thể, trong gần 3 năm triển khai Chương trình cho vay tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Agribank Chi nhánh Lâm Đồng đã giải ngân số tiền gần 700 tỷ đồng cho 5.156 khách hàng với 7.500 ha cà phê đã được đầu tư vốn để tái canh, cải tạo giống cà phê. Nhờ được cung ứng vốn kịp thời, diện tích cà phê tái canh tại nhiều huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng cho năng suất cao, trung bình gần 3 tấn/ha, thậm chí lên tới 10 tấn/ha...
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê giai đoạn 2013 – 2015 do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức mới đây ngày 25/11/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp tích cực của Agribank Lâm Đồng trong chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cung ứng vốn đầy đủ và kịp thời đáp ứng nhu cầu tái canh cà phê của người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh cung ứng vốn
Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư 1.765,5 tỷ đồng để tái canh, cải tạo giống cà phê trên diện tích 16.250 ha, trong đó đầu tư để trồng tái canh là 997,5 tỷ đồng trên diện tích 6.650 ha, đầu tư để ghép cải tạo là 768 tỷ đồng trên diện tích 9.600 ha.
Để mục tiêu trên trở thành hiện thực, Agribank Lâm Đồng xác định đầu tư vốn cho tái canh cà phê là chương trình tín dụng trọng tâm của Chi nhánh trong giai đoạn 2016- 2020. Đồng thời tập trung triển khai hiệu quả Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và các sản phẩm tín dụng mới của Agribank (cho vay hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ; cho vay lưu gốc đối với cây cà phê…) nhằm đơn giản thủ tục hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Mặt khác, tích cực chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ các chương trình dự án để tăng khả năng cân đối vốn tại chỗ và có điều kiện hạ thấp lãi suất cho vay…
Về phía địa phương cần sớm ban hành quy hoạch chi tiết về diện tích tái canh cà phê ở các mức độ luân canh khác nhau; có cơ chế thu hút các nhà đầu tư chế biến tinh cà phê có công nghệ hiện đại nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cà phê…, giúp người nông dân tiếp thu, ứng dụng đúng các biện pháp thâm canh cho từng giống cà phê, từng vùng sinh thái…/.
Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng, đến ngày 23/11/2015, tổng dư nợ tín dụng của Agribank đã tăng trưởng 12,1% so với cuối năm 2014. Theo kế hoạch, trong năm 2015, Agribank tập trung chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng và điều hành tăng trưởng dư nợ phù hợp với cân đối vốn. Dự kiến đến cuối năm 2015, tăng trưởng tín dụng của Agribank sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra (11-13%)… |
Viết Chung