Thuế đánh trên giá trị vốn tăng thêm đối với người giàu thấp

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, Chính phủ Anh có thể tăng thu 16 tỷ Bảng mỗi năm nếu tăng các mức thuế suất hiện hành đối với lợi nhuận từ cổ phiếu và tài sản ngang bằng với thu nhập từ tiền lương.

Một phân tích sâu về 540.000 người giàu nhất nước Anh (Top 1%) cho thấy, nhiều thập kỷ áp dụng thuế suất thấp đối với giá trị vốn tăng thêm (capital gain), một loại thu nhập chủ yếu của những người giàu có nhất trong xã hội, đang tạo ra một thế hệ mới “những người siêu thu nhập - super-gainers”.

Kết quả nghiên cứu trên đã thúc đẩy sự kêu gọi cải cách về thuế để san sẻ gánh nặng nghĩa vụ thuế một cách công bằng. Ngay trong tháng trước, ông Rishi Sunak - Bộ trưởng Tài chính Anh đã bị chính các thành viên trong cùng đảng chỉ trích khi tăng tỷ lệ đóng góp bảo hiểm quốc gia để có được hàng tỷ Bảng cho chăm sóc y tế, trong khi không đả động đến Top 1% những người giàu nhất.

Trong hệ thống thuế hiện hành, thu nhập từ tiền lương chịu thuế đến mức cao nhất 45%. Trong khi, giá trị vốn tăng thêm, thực chất là lợi nhuận từ chuyển nhượng tài sản như cổ phiếu hoặc bất động sản được chuyển nhượng cao hơn chi phí ban đầu, thì chỉ chịu mức thuế suất thấp hơn rất nhiều; 20% từ chuyển nhượng cổ phiếu và 28% từ chuyển nhượng bất động sản.

Anh có thể tăng thu mỗi năm gần 16 tỷ Bảng nếu đánh thuế cổ phiếu và tài sản
Nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách thuế công bằng giữa người giàu và người nghèo. Ảnh: TL.

Phân tích của báo Người Bảo vệ (The Guardian) cho thấy, từ cuối những năm 1990, tỷ lệ của thu nhập từ những khoản kiếm được dưới hình thức giá trị vốn tăng thêm của Top 1% đã tăng đáng kể: chỉ chiếm 3% thu nhập trong năm 1997, tăng gần gấp đôi năm 2010 (5.4%) và đạt đến 13.3% năm tài chính 2017 - 2018.

Trong số 50.000 người giàu nhất (Top 0.1%), thu nhập từ giá trị tăng thêm được kê khai đã tăng 213% trong vòng 10 năm (từ 2007 đến 2017). Tuy nhiên, cũng cùng thời kỳ đó, thu nhập của nhóm làm công ăn lương hoàn toàn trái ngược, chỉ tăng 22%.

Phân tích về thực tế trên, ông Arun Advani - Phó Giáo sư Kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu của Đại học Warwick bình luận: “Với việc hạ thấp thuế suất đối với giá trị vốn tăng thêm đã khuyến khích mọi người kiếm thu nhập dưới hình thức giá trị vốn tăng thêm, để giảm thuế mà không tạo ra các lợi ich nhiều hơn. Khó giải thích tại sao những người có điều kiện để cải thiện thu nhập của họ theo cách này có thể nộp thuế ít hơn những người không có khả năng làm như vậy”.

Cần sự công bằng về thuế giữa người giàu và người nghèo

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, thông tin về giá trị vốn tăng thêm của 1% người nộp thuế giàu nhất không có trong hệ thống dữ liệu. Điều này chứng tỏ chính sách thuế đánh trên phần giá trị tăng thêm đối với người giàu là không có. Sở dĩ có thể phân tích được vì Phó Giáo sư Advani và nhóm nghiên cứu đã được tiếp cận dữ liệu từ cơ quan thuế Anh (HMRC) dưới hình thức các tờ khai thuế vô danh được cho là của những người giàu nhất.

Theo một tài liệu dựa trên nghiên cứu của chính HMRC, loại hình thu nhập này rất tập trung tại những người giàu. Cụ thể, 5.000 người có thu nhập cao đã kiếm được 54% tổng giá trị vốn tăng thêm toàn xã hội.

Vì giá trị vốn tăng chịu thuế quá nhẹ, những người giàu nhất đã nộp thuế cho chính phủ thấp hơn rất nhiều so với phần lớn người lao động. Top 0.001% - gồm 400 người với thu nhập từ từ 9 triệu Bảng đến 11 triệu Bảng/năm chỉ chịu mức thuế suất thực tế là 21%; thấp hơn cả những người có thu nhập trung bình khoảng 30.000 Bảng/năm, đang phải nộp thuế với mức thuế suất thực tế 21,4%.

Theo Phó Giáo sư Advani, nếu đánh thuế giá trị vốn tăng như đối với tiền lương, Chính phủ Anh sẽ thu được một khoản thu bổ sung khoảng 13,8 tỷ trong năm tính thuế 2016 - 2017 và tăng lên đến 15,9 tỷ Bảng trong năm tài chính 2019 -2020.

Chủ trương cải cách đang ngày càng tăng khi Đảng Lao động mặc dù chưa đưa ra một dự án chi tiết, đã chỉ ra rằng cần tăng thuế từ các khoản kiếm được từ sở hữu cổ phần và tài sản đầu tư.

Ông Adam Corlett - Kinh tế trưởng của Resolution Foundation cho rằng, đã có các lỗ hổng xung quanh giá trị vốn tăng thêm. “Nhờ các lỗ hổng trong hệ thống thuế giá trị vốn tăng thêm, hoàn toàn có khả năng để những người giàu nhất nộp thuế với mức thuế suất chỉ 10%, thậm chí bằng không, trong khi những người lao động nộp thuế với mức thuế suất cao hơn nhiều. Điều này cần thay đổi” - ông Adam Corlett nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc cải cách thuế này có thể không khuyến khích đầu tư. Bà Helen Miller - Phó Giám đốc của Học viện Nghiên cứu Tài chính cho rằng, đúng là có các “lý do tốt để cải cách thuế giá trị vốn tăng thêm”, nhưng bà Helen Miller cũng bổ sung thêm rằng, cải cách cần một “cách tiếp cận theo hai hướng” để tránh rủi ro không khuyến khích đầu tư.

Theo bà Helen Miller, chính phủ cần cải cách về phạm vi cái gì bị đánh thuế, bao gồm việc xóa bỏ một số miễn giảm, song song với bổ sung các miễn giảm khác mà có thể cho phép tăng thu trong khi hạn chế tối đa tác động đối với tiết kiệm và đầu tư./.