Trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Theo Phó Thủ tướng, đây là số lượng rất lớn, là kết quả của tất cả các lực lượng chức năng cũng như của các tỉnh, thành phố trong phát hiện, xử lý các vụ vi phạm.

Báo chí cần phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Minh.
6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,72% so với cùng kỳ năm 2021); 1.019 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90,61% so với cùng kỳ năm 2021). Thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn nêu rõ: vẫn cần hết sức cảnh giác bởi đây chưa phải là phát hiện hết, nhất là khi chúng ta trở lại trạng thái bình thường, hoạt động kinh tế - xã hội phát triển, nguồn cung một số mặt hàng như xăng dầu, dược phẩm, hàng thiết yếu,… còn gặp khó khăn có thể dẫn đến tình trạng hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng tăng lên.

Trong bối cảnh đó, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định, các lực lượng cần tăng cường hơn nữa các biện pháp để ngăn chặn, triệt phá các vụ việc vi phạm, đặc biệt là một số vụ việc trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,…

Thứ hai, cần phải nhận diện được các vấn đề nổi cộm hiện nay, đặc biệt là phương thức, thủ đoạn mới trong buôn lậu, gian lận, hàng giả để có phương án đấu tranh. Để làm được, Phó Thủ tướng đồng ý cần rà soát lại các cơ sở pháp lý, trong đó có việc xử lý hàng thu giữ tuy đã có quy định nhưng còn khó khăn, vướng mắc thực tế, cần rà soát văn bản pháp lý, cả nghị định, thông tư hướng dẫn.

Thứ ba là về phối hợp, xử lý của tất cả các lực lượng được nhiều đơn vị, địa phương kiến nghị, nhất là trong xử lý, chia sẻ, cung cấp thông tin cần được tăng cường; vận động người dân tham gia tố cáo tội phạm là hết sức quan trọng; cần công khai số điện thoại, email của Ban Chỉ đạo 389 các lực lượng và địa phương để người dân có địa chỉ tố cáo, từ đó có cơ sở xử lý nhiều vụ việc; đồng thời, phải ứng dụng khoa học công nghệ vì hiện nay tội phạm buôn lậu, nhất là ma túy đều sử dụng công nghệ rất hiện đại.

Báo chí cần phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Thứ tư, truy cứu, điều tra các thông tin để tìm ra nguồn gốc của các hàng hóa buôn lậu. Bởi hiện nay dù trao đổi trên không gian mạng thì cũng cần có nguồn hàng, nên cần truy ra nguồn hàng, nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng nổi cộm như thuốc, xăng dầu,…

Thứ năm, đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các ban chỉ đạo đều đã có kế hoạch từ đầu năm, giờ tiếp tục có kế hoạch đấu tranh đến cuối năm.

Thứ sáu, các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác này, nhất là các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; làm tốt công tác tuyên truyền chính sách pháp luật, vận động người dân không tham gia vận chuyển, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hoá.

Thứ bảy, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cần chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương hoàn thiện dự thảo kế hoạch chống buôn lậu qua đường hàng không, đường bộ; rà soát chế độ báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đề xuất sửa đổi những vấn đề còn bất cập; chủ động nắm bắt tình hình, theo dõi, đôn đốc các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu; tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Nửa đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký quyết định trao bằng khen cho 449 cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã quyết định trao 3 thư khen, bằng khen đột xuất cho 7 tập thể và 24 cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.