Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết nghị: giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương trong nước 2.925,749 tỷ đồng của 9 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương để bổ sung dự toán tương ứng cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài 424,402 tỷ đồng của 2 bộ và 3 địa phương để bổ sung dự toán 209,988 tỷ đồng cho 6 địa phương. Số vốn điều chỉnh giảm còn lại là 214,414 tỷ đồng, giao Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bổ sung dự toán theo quy định.

UBTVQH
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên họp bất thường chiều 29/8.

Đồng thời, UBTVQH cũng bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương trong nước 19.570,446 tỷ đồng cho 10 bộ, cơ quan trung ương và 36 địa phương để thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương trong nước 18.584,907 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, hỗ trợ lãi suất, cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Trước đó, tại phiên họp bất thường của UBTVQH ngày 29/8, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội thẩm tra về nội dung này đánh giá, về tổng thể, số bổ sung dự toán năm 2022 là 39.205,353 tỷ đồng tại tờ trình của Chính phủ nằm trong giới hạn cho phép của Nghị quyết 43 của Quốc hội. Cơ quan thẩm tra cho rằng, số vốn đề nghị điều hòa, bổ sung vốn đầu tư cho năm 2022 này chỉ tương đương 34,52% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán, dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tính toán kỹ khả năng hấp thụ vốn, giải ngân số vốn bổ sung, tránh việc bổ sung nhưng không giải ngân được, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

Theo báo cáo ngày 5/8/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến 31/7/2022 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch được giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71%). Trong đó, có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.