Chính sách tài khóa thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Dịch Covid-19 tác động mạnh và sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, chính sách tài khóa của Việt Nam được điều chỉnh linh hoạt, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp các khoản thuế và tiền thuê đất, phí, lệ phí. Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ năm 2019.

Tiếp đó, Bộ Tài chính đề xuất, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 giải pháp bổ sung về miễn, giảm thuế, gồm: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác trong các quý III và IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn chịu tác động của dịch Covid-19; giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ năm 2020;…

Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong quá trình xây dựng các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Bộ Tài chính tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm đảm bảo các giải pháp đưa ra thiết thực, nhanh chóng tới được các đối tượng gặp khó khăn thực sự. Các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đều quy định rõ đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế được gia hạn, miễn, giảm, số thuế còn phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.

Được biết, Bộ Tài chính tiếp tục tổng kết, đánh giá kết quả các giải pháp đã và đang được thực hiện, đồng thời căn cứ điều kiện, diễn biến thực tế của dịch bệnh và yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp.

Phấn đấu thu ngân sách, dành nguồn lực cho phát triển

Năm 2022 dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 còn có diễn biến phức tạp, tác động kéo dài, cộng với những bất ổn chính trị giữa Nga và Ukraine thời gian gần đây sẽ còn tác động tới toàn thế giới.

Có thể nói, trải qua 4 đợt dịch bùng phát, sức chống chịu và nguồn lực của doanh nghiệp, người dân đã giảm sút nhiều. Hiện nay, giá xăng dầu tăng cao đã tác động tới toàn bộ nền kinh tế. Dự báo một mặt bằng giá mới sẽ hình thành và những biểu hiện rõ rệt nhất sẽ phản ánh dựa trên các chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát từ quý II trở đi.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Ngành Tài chính trong năm 2022 tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bảo đảm dự toán thu ngân sách nhà nước; phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng.

Nhiệm vụ đặt ra là bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, cần có giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa, nhằm nhanh chóng khôi phục các hoạt động của nền kinh tế, khắc phục sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, phục hồi thị trường lao động, đặc biệt là ở các trung tâm công nghiệp, dịch vụ; giảm thiểu sự tác động của việc tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tới giá cả trong nước.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, vừa tạo động lực hỗ trợ cho nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân, vừa phải đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 cùng với nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, để giảm tác động tới an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, thực hiện nghiên cứu hoàn thiện chính sách về thu ngân sách nhà nước (NSNN), phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, động viên hợp lý nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, bảo đảm tính bền vững, an ninh, an toàn tài chính quốc gia; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công.

Các cơ quan của ngành Tài chính tiếp tục chú trọng cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh, minh bạch, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc,...

Nhiều áp lực trong điều hành

Tiếp tục hỗ trợ người dân trong năm 2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2022 và đã ban hành thông tư quy định giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí. Dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch Covid-19 và không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới, ngày 11/1/2022 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thực hiện miễn giảm thuế giá trị gia tăng GTGT) 2% áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (trừ một số mặt hàng). Dự kiến các chính sách này sẽ có tác động giảm thu NSNN của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng.

Còn rất nhiều phần việc trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải thực hiện trong năm nay và năm sau. Các chính sách tài khóa này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác dộng của dịch Covid-19 phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Mới đây, để hỗ trợ cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, khiến giá xăng trong nước cao chưa từng thấy, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, tương đương với từ 700 - 2.000 đồng/lít, kg xăng dầu, mỡ nhờn, khiến ngân sách cũng giảm thu (tính từ 1/4/2022) khoảng gần 24 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ trong bối cảnh ngành Tài chính yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị sử dụng ngân sách phải căn cơ, tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu, dành thêm nguồn lực chi phòng, chống dịch và nhiều nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính và chia sẻ với những khó khăn mà ngành sẽ gặp phải trong thời gian tới. Bởi dư địa của chính sách tài khóa không còn nhiều, bội chi đã nới, các chính sách về thuế, phí, lệ phí liên tục được rà soát, cắt giảm, vô hình trung sẽ gây áp lực đối với ngành Tài chính trong quá trình điều hành và thực hiện các mục tiêu về tài chính - NSNN trong năm.

Do đó, ngành Tài chính tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra và kiên định thực hiện, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu về tài chính - NSNN trong năm 2022.