Nguồn: Hội Tư vấn thuế Việt Nam. Đồ họa: Văn Chung |
Cá nhân nên tự tìm hiểu chính sách thuế
Phát biểu tại Tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử”, do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty cổ phần MISA (MISA) tổ chức ngày 2/8, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cho biết, theo luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh (CNKD) và kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Cá nhân nên tự giác tuân thủ nghĩa vụ thuế Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng mỗi phiên. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, các hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam |
Theo đó, HKD, CNKD có doanh thu trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không thuộc diện chịu thuế GTGT và thuế TNCN. HKD, CNKD tự xác định doanh thu để thực hiện kê khai, nộp thuế nếu có phát sinh doanh thu kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định. HKD, CNKD có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định. HKD, CNKD theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống được xác định cho một người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Thông tin đến HKD, CNKD về căn cứ tính thuế, Chủ tịch VTCA cho biết, theo quy định hiện hành, tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp HKD, CNKD nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì HKD, CNKD thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp HKD, CNKD không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề, hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Thông tin về tỷ lệ tính thuế trên doanh thu đến HKD, CNKD, bà Cúc cho biết, HKD, CNKD áp dụng theo các phương án sau: Đối với hoạt động cung cấp hàng hóa, tỷ lệ thuế GTGT là 1%; tỷ lệ thuế TNCN là 0,5%. Đối với dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu, tỷ lệ thuế GTGT là 5%; tỷ lệ thuế TNCN là 2%. Đối với hoạt động cho thuê tài sản, tỷ lệ thuế GTGT là 5%; tỷ lệ thuế TNCN là 5%. Đối với hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT, không phải khai thuế GTGT, thuộc diện chịu thuế GTGT 0% và hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổ chức có hàng hóa dịch vụ trên mà tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định thì chỉ nộp thuế TNCN là 1,5%. Hoạt động kinh doanh khác như hợp đồng cung cấp các dịch vụ thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất thuế GTGT 5% và dịch vụ khác, tỷ lệ thuế GTGT là 2%; tỷ lệ thuế TNCN là 1%.
Từ các quy định hiện hành, Chủ tịch VTCA đưa ra lưu ý, các cá nhân cần nắm chắc chế độ chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh của mình. Trường hợp đã kinh doanh TMĐT thời gian trước mà chưa nộp thuế, cơ quan thuế chưa phát hiện truy thu thì nên tự giác liên hệ với chi cục thuế nơi mình cư trú (tạm trú, thường trú) để nộp thuế và tự tính tiền chậm nộp 0,03% tính trên số tiền thuế phải nộp và số ngày chậm nộp. Trường hợp cơ quan thuế phát hiện mà không kê khai thuế, số tiền thuế lớn thì ngoài việc bị xử lý hành vi vi phạm, truy thu, phạt tiền thuế thì vi phạm nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Nhiều giải pháp về công nghệ hỗ trợ người nộp thuế
Trong những tháng gần đây rộ lên thông tin các phiên livestream bán hàng có doanh thu lên tới 100 tỷ đồng và 150 tỷ đồng/phiên…, thông tin về việc chấp hành nghĩa vụ thuế của hoạt động nêu trên, Chủ tịch VTCA cho biết, đối với nhãn hàng phải kê khai thuế GTGT, TNDN trên doanh thu thực tế chốt đơn hàng bán được.
Còn đối với người livestream nộp thuế theo hai hình thức: Nếu cá nhân đăng ký nộp thuế với HKD, CNKD thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng gồm 5% thuế GTGT và 2% TNCN. Nếu cá nhân không đăng ký kinh doanh, coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% - 35%; nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách nhà nước và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuê năm với cơ quan thuế.
Bà Đinh Thị Thúy - Tổng Giám đốc MISA - đại diện doanh nghiệp công nghệ chuyên cung cấp giải pháp tài chính - kế toán cho biết, là doanh nghiệp công nghệ với thế mạnh tài chính - kế toán, MISA cam kết đồng hành kết nối chuyên gia, các đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp cũng như phát triển giải pháp công nghệ giúp HKD, CNKD đáp ứng triển khai nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm, bà Đặng Thị Huyền Trang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn thuế SAVITAX chia sẻ, đã có những tư vấn cụ thể một số vấn đề vướng mắc đến HKD, CNKD. Bà Trang khẳng định tiếp tục đồng hành cùng các HKD, CNKD lĩnh vực TMĐT giải quyết các vấn đề liên quan đến kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
ÔNG NGUYỄN NGỌC DŨNG - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM (VECOM): Thu thuế kinh doanh thương mại điện tử ngày càng chặt chẽ Nắm bắt được những khó khăn của hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam, VECOM sẵn sàng đồng hành, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các đơn vị và cá nhân nắm vững kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện nghĩa vụ thuế đảm bảo tuân thủ pháp luật về thuế. Hiện nay, với những nền tảng công nghệ mới và sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, việc thu thuế kinh doanh TMĐT sẽ ngày càng chặt chẽ. Cơ quan thuế thực hiện đầy đủ chế độ trao đổi thông tin với cơ quan thuế các quốc gia, vùng lãnh thổ; qua đó ký kết hiệp định tránh đánh thuế trùng. Việc này để nắm bắt thông tin về doanh thu, thu nhập phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh TMĐT tại Việt Nam, xác định nghĩa vụ thuế, ngăn ngừa hành vi gian lận, trốn, tránh thuế tại Việt Nam. Để tránh trường hợp bị phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự do chậm kê khai, nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT cần chủ động tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, nhằm tạo sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế, tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. ÔNG NGUYỄN LÂM THANH - TỔNG GIÁM ĐỐC TIKTOK VIỆT NAM: TikTok chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước Nền tảng TikTok hiện cung cấp 3 dịch vụ cho cộng đồng người dùng tại Việt Nam, gồm: dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới; dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; dịch vụ TMĐT xuyên biên giới. TikTok là nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký kê khai và nộp thuế nhà thầu đối với nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tiền hoa hồng mà nhà sáng tạo nhận được là số tiền chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (ngoại trừ một số trường hợp nhà bán hàng đã thực hiện khấu trừ và sẽ có thông báo hiển thị trên ứng dụng). Để làm rõ, trong trường hợp nhà bán hàng thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của nhà sáng tạo, đây là số tiền thuế tạm tính và theo đó, nhà sáng tạo sẽ có thể phải nộp thêm thuế, hoặc được hoàn thuế khi nhà sáng tạo thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân hằng năm, tuỳ từng trường hợp cụ thể. Theo quy định hiện tại, TikTokShop không có quyền và trách nhiệm khấu trừ thuế từ nhà bán hàng, vì vậy TikTokShop cũng sẽ không thực hiện kê khai và nộp thuế thay nhà bán hàng. Tùy từng trường hợp cụ thể, TikTokShop sẽ làm việc với cơ quan thuế khi có yêu cầu dựa trên quy định hiện hành. |