Ngắn hạn vẫn ở trạng thái “bình bình”

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 4 không thực sự tích cực. Theo đó, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm so với với tháng 3 và đóng cửa tại 1.049,12 điểm. Nguyên nhân thị trường giảm điểm chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư thận trọng vì kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp không khả quan. Cùng với đó, khối ngoại trong tháng qua đẩy mạnh bán ròng cũng phần nào ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.

Theo các chuyên gia, thị trường trong nước vẫn để ngỏ khả năng kiểm định đáy đã xác lập trong tháng 3/2023. Trong tháng 5 này, cơ hội tăng ngắn hạn vẫn chưa xác định được rõ ràng, khi đây thường là tháng “Sell in May” (bán tháng 5) vì là vùng trũng thông tin. Dòng tiền dự báo vẫn chưa thể gia tăng mạnh mẽ và tác động mạnh tới chỉ số VN-Index. Do vậy, nhiều dự báo cho thấy, thị trường chứng khoán trong nước có thể vẫn duy trì xu thế đi ngang, tích lũy.

“Chúng tôi không đánh giá cao khả năng giảm mạnh của thị trường trong tháng 5 này, nhưng động lực để tăng trưởng đủ lớn trong ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, VN-Index có thể sẽ không giảm sâu, nhưng để đảo chiều tăng trong ngắn hạn cần thông tin vĩ mô tích cực đủ mạnh” - một chuyên gia chia sẻ với phóng viên TBTCVN.

Các nhịp điều chỉnh trong tháng 5 sẽ mở ra cơ hội tốt

Mức định giá của VN-Index đang ở mức hấp dẫn. Nguồn: VNDIRECT

Trao đổi với báo giới, ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS cũng cho rằng, dòng tiền chưa thể tăng mạnh ngay và chỉ có thể tạo đáy với thanh khoản thấp sau đó phục hồi trở lại với khối lượng chưa có gì nổi trội. Dòng tiền chỉ thực sự dịch chuyển sang chứng khoán mạnh mẽ hơn khi vĩ mô rõ nét hơn, đi kèm với chính sách tiền tệ nới lỏng thêm.

“Đặc điểm của các giai đoạn điều chỉnh và chạm đáy điều chỉnh “bật nẩy” vẫn sẽ phản ánh tâm lý giao dịch cầm chừng, tâm lý e ngại từ phía các nhà đầu tư, đặc biệt là câu chuyện tháng 5 chưa có những thông tin hỗ trợ đủ mạnh để lôi kéo dòng tiền quay lại ngay, chưa kể đến việc nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào hướng đi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thế nào” - chuyên gia của VPS cho hay.

Cơ hội cho trung, dài hạn rõ ràng hơn

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, hiện tại, chỉ số VN-Index đang giao dịch tại mức 0,7 lần P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) trung bình 5 năm và 0,7 lần P/B (giá/giá trị sổ sách) trung bình 5 năm. Tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 3 ở khoảng 8,7% chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%. Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng tiếp tục nới nhẹ trong tháng 4 khi lãi suất huy động duy trì đà giảm trong khi E/P gần như đi ngang.

Các chuyên gia của VNDIRECT cho biết, bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2023 kém tích cực đã được phản ánh hầu hết trong đợt điều chỉnh vừa qua. Kỳ vọng một loạt chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN hay Nghị định 12/2023/NĐ-CP sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Chính sách hỗ trợ sẽ cải thiện tâm lý và dòng tiền

Các chuyên giá của VNDIRECT cho rằng, bức tranh kết quả kinh doanh kém tích cực đã được phản ánh hầu hết trong đợt điều chỉnh vừa qua. Kỳ vọng một loạt chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, vùng 1.000 - 1.030 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index và nếu thị trường điều chỉnh về vùng này sẽ mở ra cơ hội hấp dẫn để mua và nắm giữ cố phiếu dài hạn. Động lực tăng điểm bao gồm: Chính sách tiền tệ ôn hòa hơn từ FED; các chính sách hỗ trợ tiếp theo sớm được ban hành; đầu tư công…

“Vùng 1.000 - 1.030 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index và nếu thị trường điều chỉnh về vùng này sẽ mở ra cơ hội hấp dẫn để mua và nắm giữ cố phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn” - chuyên gia của VNDIRECT nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Đức Khánh, giai đoạn này vẫn phù hợp với các nhà đầu tư giá trị, khi nhiều cổ phiếu cơ bản đang bị định giá thấp so với giá trị nội tại và việc mua và nắm giữ cho đến cuối năm 2023 hay cả năm 2024 vẫn khá hiện hữu.

“Nhiều nhà đầu tư có thể không thích câu chuyện “dài hạn” bởi yếu tố thời gian thì vẫn luôn có thể tìm kiếm được các cơ hội giao dịch ngắn hạn. Tuy nhiên, việc giao dịch ngắn hạn lại chỉ xuất hiện với số cổ phiếu đại diện hoặc điển hình của một vài nhóm ngành như sản xuất điện, mía đường, dệt may” - chuyên gia của VPS chia sẻ.

Trong báo cáo mới đây, Quỹ Pyn Elite Fund cũng đưa ra nhận định, những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 giảm mạnh bất thường cũng sẽ kích hoạt thị trường hồi phục trong năm nay.

“Các công ty niêm yết của Việt Nam có tỷ lệ đòn bẩy thấp, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của những doanh nghiệp này trong vài năm tới là mạnh nhất. Định giá P/E dự phóng của chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức cực kỳ thấp. Chúng tôi cho rằng trong 12 tháng tới, nhiều yếu tố có thể thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam quay trở lại đà tăng trưởng. Trong tương lai, hướng đi của chỉ số VN-Index có thể được điều chỉnh bởi triển vọng tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết, tính thanh khoản và lãi suất của thị trường tiền tệ Việt Nam và tốc độ lạm phát chậm lại ở Hoa Kỳ và châu Âu" - Quỹ Pyn Elite nhận định.