a thanh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn

Ngày 1/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã tổ chức hội thảo tham vấn “Dự thảo nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, với sự tham gia của đại diện một số bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan, cơ quan hải quan các địa phương khu vực phía Nam, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp (DN), các tổ chức giám định chất lượng và gần 500 DN xuất nhập khẩu.

9 vấn đề cốt lõi

Phát biểu khai mạc, ông Mai Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng đã chia sẻ nhiều nội dung xung quanh Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá nhập khẩu và dự thảo nghị định nhằm tạo thuận lợi cho DN.

Theo đó, dự thảo nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hoá nhập khẩu được xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hải quan với 9 nhóm vấn đề, áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra, quản lý kiểm tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro, quản lý theo mặt hàng chất lượng, mở rộng đối tượng kiểm tra, nhu cầu kiểm tra của DN, kiểm tra một lần khi đã khai báo đầy đủ và được mã hóa thông quan, cải cách công nghệ thông tin công nghệ số, tích hợp tự động…

Ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh, TCHQ rất muốn lắng nghe tiếng nói trực tiếp từ DN, từ những người trong cuộc đã và đang làm thủ tục hải quan về lĩnh vực này, cách thức tổ chức thực hiện những quy định nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc tổ chức thực hiện phải gắn chặt với thực tiễn.

Các vấn đề cốt lõi đặt ra là phải áp dụng đồng bộ cả 3 phương thức gồm: Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm, trong khi thực tế đặt ra là phải áp dụng chuyển đổi các bước theo nguyên tắc quản lý rủi ro, quản lý mặt hàng đi đôi với chất lượng hàng hóa chứ không phải kiểm tra đối với con người, đối với DN.

tt3
Đại diện Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng III đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay việc kiểm tra vẫn kéo dài, thậm chí nhiều lần, tháng trước, tháng sau, hôm qua, hôm nay vẫn còn diễn ra như một thói quen dẫn đến tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp, hiệu quả không cao. Một vấn đề đặt ra là hầu hết DN đều không muốn kiểm tra, hạn chế kiểm tra hoặc kiểm tra ở mức thấp nhất.

“Vì vậy, TCHQ cần DN nói rõ nhu cầu cần kiểm tra thực tế. Sau cuộc hội thảo cách đây hai ngày tại Hà Nội, ban soạn thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến phản biện, đa chiều từ phía các DN, hiệp hội về các yêu cầu, nội dung đặt ra trong dự thảo. Hầu hết các DN, hiệp hội đều thẳng thắn góp ý nhiều vấn đề cốt lõi. Đây thực sự là tín hiệu vui, tín hiệu tốt, thậm chí là rất tốt trong quá trình xây dựng chính sách phù hợp…” – ông Mai Xuân Thành nói.

Sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi thương mại, tăng tính tuân thủ pháp luật

Tại hội thảo, đại diện Cục Giám sát quản lý (TCHQ) đã giới thiệu chi tiết dự thảo nghị định và mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm mới do Tổng cục Hải quan đề xuất. Dự thảo nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân thành từ phía đại diện các DN và tổ chức giám định.

Theo đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, dự thảo đã bám sát được nội dung nhưng cần quy định thêm các mặt hàng đã được cấp giấy chứng nhận quy chuẩn và tương đương. Nội dung tương đương ở đây có phải các giấy do các bộ cấp hay không…

Một số ý kiến đóng góp khác như: bổ sung hướng dẫn các mã số giấy phép đã được cấp đăng ký trên cổng thông tin một cửa quốc gia để tránh phải xin cấp lại; nhập khẩu mặt hàng vừa làm thức ăn chăn nuôi và thức ăn thuỷ sản phải ghi hai mã số tiếp nhận của Cục Chăn nuôi và Tổng cục Thuỷ sản sẽ rất khó cho DN nhập khẩu; nguyên liệu nước này nhưng đóng gói ở nước khác thì ghi xuất xứ hàng hoá như thế nào…

Theo ông Mai Văn Sủng – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng III, dự thảo lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của DN, nhưng vẫn cần làm rõ phạm vi áp dụng là kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm để bao trùm, tránh hiểu nhầm.

“Còn về hoạt động kiểm tra chất lượng, xu thế thế giới không có hoạt động này, nguyên tắc đánh giá sự phù hợp là đánh giá một nơi, nhưng chấp nhận ở nhiều nơi, tiến tới hoạt động thừa nhận, công nhận kết quả mới là căn cơ tạo thuận lợi thương mại. Hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước, hoạt động chứng nhận của tổ chức đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn là hoàn toàn tự nguyện…” - ông Mai Văn Sủng nói.

Hội thảo cũng ghi nhận thêm các ý kiến đóng góp liên quan đến chất lượng hàng hóa như: Đăng ký công bố sản phẩm, trước đây có hai đơn vị, giờ thêm hải quan là ba, vì thế đơn vị tiếp nhận nên giao cho một cơ quan, để tránh chồng chéo; vấn đề hàng giống hệt, cần bổ sung thêm là có khác biệt về dung tích, hàng mẫu...; khoản 6 điều 2, hệ thống tự động phân tích, phân loại, xác định đối tượng... cần cơ chế để DN có thể phản hồi lại khi phát hiện hệ thống phân loại chưa đúng, chưa phù hợp…

Nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều được lãnh đạo TCHQ tiếp nhận với tinh thần cầu thị, giải thích theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và tạo thuận lợi nhất cho DN trong nhập khẩu hàng hóa.

Theo ông Mai Xuân Thành, sau hai cuộc hội thảo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Tổ biên tập dự thảo sẽ tổng hợp chủ trì làm việc với các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện. Trong thời gian này, tổ biên tập vẫn tiếp tục tiếp thu ý kiến phản biện, đóng góp của các hiệp hội, DN thông qua hộp thư điện tử của TCHQ.../.

Đỗ Doãn - Gia Cư (ghi)