Cuộc cải tổ lớn nhất trong 30 năm

Một bản đánh giá đề ra 51 khuyến nghị để thay đổi cách thức hoạt động và xây dựng chính sách của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã được công bố trong tuần này, bao gồm khuyến nghị có sự thay đổi với hội đồng hoạch định chính sách của RBA.

Những thay đổi pháp lý đối với Ngân hàng Dự trữ Australia dự kiến bắt đầu từ ngày 1/7/2024.
Những thay đổi pháp lý đối với Ngân hàng Dự trữ Australia dự kiến bắt đầu từ ngày 1/7/2024.

Điều này có thể tiến đến thành lập một ủy ban chuyên gia riêng biệt để tư vấn, hoặc thậm chí quyết định chính sách tiền tệ, hoặc thay đổi cách lựa chọn và chỉ định các thành viên hội đồng quản trị. Sự thay đổi về bản chất này sẽ đòi hỏi điều chỉnh đối với đạo luật điều hành của RBA được soạn thảo vào năm 1959.

Đây sẽ là cuộc cải tổ lớn nhất của RBA trong khoảng 3 thập kỷ, với khuyến nghị cho rằng ngân hàng trung ương không được trang bị đầy đủ để ứng phó với những thách thức, bao gồm áp lực lạm phát lớn nhất trong hơn 30 năm qua tại quốc gia này.

Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers đã đồng ý về nguyên tắc với tất cả 51 khuyến nghị. Một số trong số đó là yêu cầu thay đổi điều lệ hoạt động của RBA, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/7/2024.

Báo cáo ủng hộ chế độ mục tiêu lạm phát linh hoạt hiện có trong khi khuyến nghị về vai trò ổn định tài chính của RBA nên được luật hóa. Các đề xuất khác bao gồm 8 cuộc họp chính sách tiền tệ thay vì 11 như hiện tại và các bài phát biểu về các quyết định lãi suất của các thành viên hội đồng quản trị với bên ngoài. Báo cáo khuyến nghị không thay đổi mục tiêu lạm phát 2% - 3% của RBA, mục tiêu đã củng cố mọi quyết định chính sách kể từ giữa những năm 1990.

Lạm phát nghiêm trọng đã đẩy áp lực lên các ngân hàng trung ương. Trong một vài trường hợp, các nhà lập pháp cấp cao ở các quốc gia từ Vương quốc Anh đến Canada đã kêu gọi thay đổi cách thức trong hoạt động nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, hoặc thậm chí là bãi nhiệm các quan chức ngân hàng trung ương.

Vào cuối tháng 10/2021, RBA đã trấn an các ngân hàng rằng, lãi suất sẽ không tăng trước năm 2024 ngay cả khi một số ngân hàng trung ương, bao gồm cả ở New Zealand, đang lo lắng về tình trạng lạm phát tăng cao và bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, RBA đã thay đổi chiến thuật vào tháng 5 năm ngoái và đã tăng lãi suất ở mức kỷ lục 3,50 điểm phần trăm trong 10 cuộc họp chính sách liên tiếp trước khi tạm dừng vào tháng này.

Thống đốc sẽ họp báo sau mỗi cuộc họp chính sách

Để cải thiện việc ra quyết định, báo cáo khuyến nghị bổ sung thêm chuyên môn kinh tế cho ủy ban chính sách và thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn vào các cuộc họp quyết định lãi suất. Báo cáo cũng kêu gọi thành lập một hội đồng khác để xử lý các vấn đề quản trị nội bộ tại ngân hàng trung ương.

Hội đồng hoạch định chính sách của RBA bao gồm Thống đốc, Phó thống đốc, Bộ trưởng Tài chính và 6 thành viên từ doanh nghiệp và học viện.

Trong một động thái nhằm củng cố tính minh bạch của RBA, báo cáo khuyến nghị đã kêu gọi tổ chức các cuộc họp báo sau mỗi cuộc họp tiền tệ, đánh giá ngân hàng 5 năm một lần và cho phép các thành viên hội đồng quản trị có thể phát biểu công khai về triển vọng chính sách, đồng thời bổ nhiệm một giám đốc truyền thông mới để hỗ trợ hướng dẫn và phát ngôn tổng thể. Một số khuyến nghị sẽ yêu cầu thay đổi luật pháp Australia.

Paul Bloxham - kinh tế trưởng tại HSBC Australia cho biết, cấu trúc hội đồng hoạch định chính sách hiện tại của RBA đã rất thành công, những thay đổi sẽ hiện đại hóa các quy trình quyết định chính sách của ngân hàng trung ương.

Nên giữ lạm phát ở mức trung bình 2,5%

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc, trong một đánh giá độc lập công bố ngày 21/4 cho rằng, ngân hàng trung ương Australia có “quan điểm diều hâu” đối với chính sách tiền tệ do những điều chỉnh chính sách để cân bằng lạm phát mục tiêu.

Mặc dù đánh giá khuyến nghị giữ mục tiêu lạm phát 2-3% của Ngân hàng Dự trữ, nhưng đã loại bỏ cảnh báo mơ hồ “theo thời gian” hiện tại và thay vào đó tập trung vào mức trung bình 2,5% của mục tiêu. Báo cáo cũng cho biết, mục tiêu bảo đảm việc làm của RBA nên được coi trọng tương đương với việc kiềm chế lạm phát.