Chính sách giá điện và giải pháp phát triển thị trường điện Việt Nam
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo bộ, ngành; các chuyên gia.

Ngành điện phải đi trước một bước

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy, bên cạnh những kết quả tích cực, ngành năng lượng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Trong đó, ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng, phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Các chuyên gia kinh tế tại hội nghị cũng đồng thuận ý kiến nêu trên và cho rằng, còn nhiều hạn chế tồn tại trong chính sách và thực thi cung ứng điện trong thời gian qua, cần thiết phải có sự điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng, dư luận đánh giá, ngành điện vẫn còn nhiều tính độc quyền cần có chính sách hợp lý…

Chính sách giá điện, thị trường điện là những vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển ngành điện, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta.

“Việc tổ chức thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về giá điện, thị trường điện; công tác quản lý Nhà nước đối với giá điện, thị trường điện, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành giá điện, thị trường điện, tái cơ cấu ngành điện, mô hình tổ chức quản lý cả ở góc cạnh quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp… đang cần giải quyết” - ông Lê Quang Huy nói.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Trần Tuệ Quang cho biết, hệ thống pháp luật lĩnh vực về giá điện cơ bản đã hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất và khả thi, song đến nay còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Hiện giá bán lẻ điện đang được Bộ Công thương nghiên cứu và từng bước hoàn thiện, đảm bảo ngành điện hoạt động hiệu quả, bảo toàn vốn Nhà nước, đảm bảo công tác đầu tư phát triển điện lực được liên tục và hiệu quả với quan điểm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Ông Quang đề xuất, cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo theo định hướng, thực hiện các mục tiêu như: Giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng và hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý và điều hành giá điện thông qua hoạt động mua bán điện.

Xây dựng lại lộ trình phát triển thị trường điện bán lẻ

Góp ý về thị trường điện, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi - Chuyên gia Kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc thẳng thắn nêu ý kiến, các điều kiện để triển khai lộ trình thị trường điện cạnh tranh giai đoạn qua cơ bản đã không được thực hiện.

Cần xây dựng lại lộ trình phát triển thị trường điện bán lẻ khả thi hơn
Chính sách giá điện và giải pháp phát triển thị trường điện Việt Nam. Ảnh: TL

Các chính sách điều tiết về giá bán lẻ, các quy định về cơ chế điều chỉnh giá đưa ra, nhưng quá trình thực thi điều chỉnh giá bán lẻ đã không được thực hiện càng làm cho việc giá bán lẻ theo cơ chế giá điện trên thị trường giao ngay và bán buôn. Điều này không phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.

Vì nguyên nhân này, không thể đặt ra một lộ trình phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh quá tham vọng về mặt thời gian, trong khi các yếu tố nền tảng cho sự tồn tại của thị trường còn đang chưa có, chưa đáp ứng. “Quan điểm nên xây dựng lại lộ trình phát triển thị trường điện bán lẻ khả thi hơn, song song lộ trình xử lý các tồn tại hiện nay liên quan đến thị trường bán buôn, liên quan đến điều kiện tiên quyết đó là chính sách giá bán lẻ điện” - PGS. TS. Bùi Xuân Hồi nói.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định, việc tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trong đó có thị trường điện thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực năng lượng.

Việc hình thành thị trường điện triển khai chậm, nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng điện. Chính sách giá năng lượng sơ cấp còn một số bất cập, có ý kiến cho rằng cần rà soát, đánh giá lại việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ điện… Cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện; chưa dự báo tốt và tính toán đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng từ thị trường năng lượng khu vực và thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề xuất, cần có cách làm mới, giải pháp đột phá tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.