Khuyến nghị này được đưa ra trong buổi công bố báo cáo “Dự báo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và các khuyến nghị pháp lý” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức.

Tại báo cáo này, các chuyên gia đã đưa ra dự báo khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội hiện tại và phân tích những thay đổi chính sách có thể nâng cao tính bền vững của quỹ. Đây có thể nói là một việc hết sức bức thiết trong bối cảnh có nhiều thay đổi lớn về cơ cấu dân số như ở Việt Nam, tỷ lệ người lao động có bảo hiểm thấp và thực thi luật còn hạn chế.

Sắp tới, trong giai đoạn 2020 - 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số ở mức cao nhất châu Á. Theo đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhấn mạnh, cần tạo cơ sở cho việc hoạch định chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách hưu trí.

Để đảm báo tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội, Việt Nam nên tiến tới nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới lên 65, trên cơ sở những tiến bộ trong việc nâng cao tuổi thọ trung bình, giảm tỉ lệ giữa số người lao động và số người nhận lương hưu.

Giám đốc ILO Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki cũng khuyến nghị, cuộc cải tổ mới này cần bảo vệ được người lao động khi về hưu bằng cách đảm bảo rằng, cả người sử dụng lao động và người lao động đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập, thay vì lương cơ bản, theo quy định của Bộ Luật Lao động sửa đổi./.

Hồng Loan