Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Vidifi - chủ đầu tư dự án, đã báo cáo một số vấn đề liên quan đến năng lực nhà thầu, dự án còn tồn tại tình trạng các nhà thầu không đảm bảo đủ thiết bị và nhân sự để thi công gói thầu mà thuê lại các đơn vị thầu phụ, thiết bị, nhân sự tại Việt Nam với giá thấp.

Đồng thời, các nhà thầu không huy động đủ vốn lưu động như cam kết trong Hồ sơ dự thầu mà dựa chủ yếu vào nguồn thanh toán hàng tháng dẫn đến không thanh toán kịp thời cho các nhà thầu phụ cung cấp vật liệu, thiết bị, nhân công nên trong quá trình thực hiện, các đơn vị thầu phụ này thường xuyên tự ý dừng thi công, dẫn đến chậm tiến độ.

Tại buổi giao ban tiến độ dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu rà soát tiến độ từng gói thầu, từng điểm vướng, tập trung nguồn lực tài chính, nhân vật lực, tăng ca để đảm bảo tiến độ thi công, vận hành tuyến giao thông huyết mạch mới trong điều kiện đường 5 đang quá tải rõ rệt, kiên quyết không để chậm hơn nữa tiến độ đã đề ra. Cụ thể, phấn đấu hoàn thành đoạn Hải Phòng-Hải Dương vào cuối tháng 6/2014.

“Các mốc đặt ra trong tổng tiến độ đã trôi qua đa phần nhưng mới có gần 50% khối lượng hoàn thành, trong khi đó, mặt bằng đã đảm bảo gần 100%, cơ bản không phải lo về vốn, không nhiều vướng mắc”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Phó Thủ tướng thị sát một điểm vướng mắc giải phóng mặt bằng trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: VGP

Hiện các địa phương đã bàn giao 99,26% mặt bằng sạch cho các nhà thầu. Diện tích chưa bàn giao được của Hà Nội còn 3 điểm tại quận Long Biên, huyện Gia Lâm; Hưng Yên còn 2 điểm tại huyện Khoái Châu, Ân Thi; Hải Dương còn 6 điểm tại huyện Bình Giang, thị trấn Gia Lộc, Hải Phòng còn 2 điểm thuộc quận Kinh Dương, huyện Hải An. Điều này đang gây ảnh hưởng lớn đến thời gian hoàn thành của mỗi gói thầu theo kế hoạch. Các nhà thầu dựa vào lý do chậm bàn giao mặt bằng để đề nghị kéo dài thời gian và các chi phí phát sinh liên quan.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tập trung xử lý dứt điểm trong năm nay các điểm “xôi đỗ” để đảm bảo mặt bằng sạch cho thi công.

Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng được giao rà soát về tổng mức đầu tư, phương án vốn và đề xuất cơ chế điều chỉnh cho dự án, đặc biệt là vấn đề đất đổi hạ tầng. Bộ GTVT xem xét, công bố “danh sách đen” các nhà thầu yếu kém, chây ỳ, đảm bảo thay thế, hỗ trợ cho dự án được đảm bảo.

Ghi nhận những phản ánh của Chủ đầu tư và các bên liên quan, Phó Thủ tướng đồng ý một số cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho dự án, nhưng yêu cầu “không hy sinh chất lượng, kiểm soát, chặt chẽ các vấn đề chống lún, chất lượng nhựa đường nhập khẩu, đầu tư cân trọng tải xe để đảm bảo độ bền của đường”./.

Đàm Tuấn (theo VGP)