Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Chia sẻ thông tin với phóng viên, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm chủ thể, trung tâm phục vụ", ngành BHXH Việt Nam đặc biệt coi trọng và đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ. Qua đó từng bước hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của ngành, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, mang lại lợi ích lớn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp; được các cấp các ngành cùng cộng đồng DN, người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tích hợp xác thực sinh trắc vân tay tại bộ phận Một cửa của Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: BHXH Việt Nam
Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tích hợp xác thực sinh trắc vân tay tại bộ phận Một cửa của Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: BHXH Việt Nam

Hiện nay, số TTHC của ngành đã được cắt giảm chỉ còn 25 thủ tục so với 263 TTHC năm 2009, với 100% TTHC được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC BHXH Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia; số giờ thực hiện TTHC cho người dân và DN giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn trên 100 giờ hiện nay. Toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ. Cùng với đó, ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, hiện đã có trên 28 triệu tài khoản sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các DVC về BHXH, BHYT; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân gắn chíp để đi khám chữa bệnh...

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, gần như tất cả các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, DN với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số; người dân, DN có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc mọi nơi. Điều này đã giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho DN, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH; giúp DN, người dân dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin, cũng như hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng, phòng chống gian lận, trục lợi các quỹ BHXH, BHYT...

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, trong 3 năm qua, nhờ cải cách TTHC và hệ thống CNTT hiện đại, cơ quan BHXH các cấp đã kịp thời cung cấp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu về người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp để phục vụ hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; đồng thời, góp phần triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh

Trong năm 2023, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT trong công tác cải cách TTHC; bảo đảm xử lý kịp thời, công khai, đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người dân, người lao động.

Theo Kế hoạch số 3870/KH-BHXH của BHXH Việt Nam, năm 2023, BHXH Việt Nam xác định, sẽ tiến hành cải cách hành chính đồng bộ, thống nhất ở các lĩnh vực: TTHC, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số. Cụ thể, về cải cách TTHC, ngành đặt ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.

Tiếp đó là mục tiêu hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, DN. BHXH Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC. Về mức độ hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 85%.

Mục tiêu 70% hồ sơ công việc ngành bảo hiểm xã hội được xử lý trên môi trường mạng

Trong năm 2023, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề ra mục tiêu 70% hồ sơ công việc trong toàn ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 35% người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 25% sử dụng ứng dụng VssID…

Về mục tiêu xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu 80% DVC trực tuyến đủ điều kiện thực hiện ở mức độ toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Tiếp đó, mục tiêu 100% người dân, DN sử dụng DVC trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam. Đồng thời, 100% hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, DN đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và/hoặc Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoặc các nền tảng khác theo quy định; thông tin của người dân, DN đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, đã được chia sẻ với BHXH Việt Nam thì không phải cung cấp lại.