Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới với Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt; kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.

Áp lực giá cả, nguồn vốn là khó khăn lớn cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã có nhiều phát biểu chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình hoạt động thời gian qua. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất nhiều sáng kiến để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, tình hình lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia khiến người dân các nước giảm tiêu dùng. Nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10.

Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng cao, từ thức ăn chăn nuôi, chi phí vận tải, nhân công cho đến các chi phí đầu vào khác. Đặc biệt, chi phí tuân thủ xử lý môi trường, một trong ba trụ cột để phát triển bền vững đang làm khó doanh nghiệp. Do đó, đại diện VASEP đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vấn đề này.

Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Cũng chia sẻ nỗi lo về giá cả, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho hay, với tình hình bão giá vật liệu xây dựng tăng cao đến 18 - 40% suốt từ 2021 đến nay, cộng với những khó khăn về nguồn nhân lực do Covid-19, khó khăn do những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong việc đầu tư, nên tình hình chung các doanh nghiệp xây dựng từ nay đến cuối năm vẫn còn rất nhiều khó khăn. Điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn.

Để giải quyết vấn đề này, ông Hiệp đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cắt hết các nợ “dồn toa” để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu. Đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư.

Với vai trò là mạch máu lưu thông hàng hoá trong nội địa cũng như quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam kiến nghị đẩy mạnh vận tải, phát triển chuỗi cung cứng vận tải, tăng tính kết nối dựa trên các nền tảng trung tâm logistics lớn, kết nối các hệ sinh thái của Việt Nam, đặc biệt hệ thống cảng biển quốc gia.

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã có phát biểu về những phương hướng, giải pháp đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn trước mắt cũng như thúc đẩy phát triển về lâu dài.

Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đã cùng cả nước đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực và cũng bày tỏ chia sẻ với các khó khăn, thách thức và cả hy sinh, mất mát mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, trong đó có yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh.

Cơ bản đồng tình với các giải pháp được nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Chính sách hỗ trợ thị trường lao động mang lại hiệu quả thiết thực

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sự ổn định và phục hồi của thị trường lao động thời gian qua rất nhanh. Mỗi quý bình quân chúng ta tăng khoảng 900.000 lao động trong khu vực dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, tỷ lệ thiếu việc làm giảm đều, thu nhập bình quân của người lao động trong quý II tăng cao. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tổng số tiền hỗ trợ đã đạt khoảng 146 nghìn tỷ đồng và vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay, đang có tình trạng thiếu cục bộ lao động ở một số địa bàn, tình trạng lao động nhảy việc nhiều, chất lượng lao động vẫn thấp, đặc biệt là lực lượng lao động chất lượng cao thiếu hụt nghiêm trọng. Như vậy, cách tiếp cận về thị trường lao động phải thay đổi, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp sử dụng lao động với người lao động. Riêng trong ngành dịch vụ, du lịch phải có chính sách rất đặc thù.

Trong đó, Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn cần tập trung triển khai như: khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, còn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; cải cách thể chế…

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong dài hạn, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững.

Theo Thủ tướng, trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tăng cường hợp tác nhằm phát triển bền vững; đi cùng nhau, tất cả cùng chiến thắng.

Doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ áp lực về nguồn vốn

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 11/8, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị Chính phủ quan tâm xử lý một số nguy cơ, nút thắt cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Trong đó, vấn đề đầu tiên là việc bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm, cũng như giai đoạn sau này. Theo đại diện VCCI, sức ép tài chính cho các doanh nghiệp rất lớn do nhu cầu tái cấu trúc và phục hồi sau dịch. Do đó, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua.

Về nhân lực, các ngành đang phục hồi mạnh như du lịch, dịch vụ đang rất khó vì thiếu hụt nhân lực. Làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu sau Covid-19 cũng đòi hỏi Việt Nam chúng ta có nguồn nhân lực để nắm bắt làn sóng này. Việc này đòi hỏi có giải pháp lớn của Chính phủ và sự tham gia của doanh nghiệp để thực hiện mô hình kết nối Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực.

Một vấn đề quan trọng nữa được ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh là cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp gồm các chi phí về thời gian, chi phí về nhân lực và chi phí tiền bạc. “Qua gặp gỡ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, họ đều quan tâm đến vốn, môi trường kinh doanh khi quyết định đầu tư. Do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực mà doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều phiền hà như đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường…” - Chủ tịch VCCI kiến nghị.