Chính sách tài khóa -
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Giảm thuế, tăng nguồn lực cho doanh nghiệp

Chính sách tài khóa được ví như những bậc thang, xây dựng nên một bệ đỡ vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Bậc đầu tiên chính là sự tăng trưởng của thu ngân sách nhà nước. Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, song 3 năm trở lại đây, ngân sách nhà nước vẫn liên tục vượt thu. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.820.300 tỷ đồng, bằng 128,6% dự toán, tăng 14,4% so với năm 2021. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.754.100 tỷ đồng, bằng 108,1% dự toán. Năm 2024, số thu ngân sách nhà nước lần đầu vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng, đạt 2.037.500 tỷ đồng, bằng 119,8% (tăng khoảng 336.500 tỷ đồng) so dự toán, tăng 16,2% so năm 2023.

Chính sách tài khóa phải cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu

Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, do đó đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc để cùng đoàn kết, quyết tâm đưa đất nước ta phát triển. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa vẫn phải cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng là vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Để làm được điều đó, Bộ Tài chính đã có những sáng tạo, sáng kiến thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước được giao mà không “tận thu”, không ảnh hưởng tới sức khỏe của doanh nghiệp, trong khi vẫn thực hiện đều đặn “khoan thư sức dân”. Kết quả thu đạt và vượt dự toán đã minh chứng cho những nỗ lực đó.

Cùng với việc hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu, Bộ Tài chính liên tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các gói hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Có thể kể đến như giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mạnh từ 10 - 50% của 36 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính…

Nhiều chính sách vẫn đang được duy trì như việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến tháng 6/2025 và đang tiếp tục đề xuất thực hiện 1,5 năm tới, đến hết năm 2026 cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn lệ phí trước bạ 0% cho ô tô điện chạy pin đến hết 28/2/2027; điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu và kéo dài ưu đãi thuế cho công nghiệp hỗ trợ ô tô đến hết năm 2027; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn. Đồng thời, duy trì giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% cho dịch vụ công trực tuyến đến hết 2025; đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025 cho người sử dụng đất, không áp dụng cho tiền thuê đất nợ các năm trước và tiền chậm nộp; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất phát sinh từ các kỳ tính thuế tháng 2 đến tháng 6/2025...

Tổng quy mô gói hỗ trợ giai đoạn 2020 - 2024 lên tới gần 900.000 tỷ đồng. Đối với các giải pháp đã và đang triển khai, dự kiến tổng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân năm 2025 khoảng 204.000 tỷ đồng, cao hơn mức hỗ trợ năm 2024, nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Hiệu quả của chính sách tài khóa được minh chứng rõ nét nhất qua chỉ số tăng trưởng về cơ bản, năm sau cao hơn năm trước, tháng sau cao hơn tháng trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, do Việt Nam ban hành nhiều chính sách phù hợp, kinh tế đã có bước phục hồi tích cực, GDP tăng ở mức 8,02% so với năm 2021, cao nhất trong 10 năm qua. Năm 2023, GDP năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng GDP năm 2024 đạt 7,09%, nâng quy mô GDP nền kinh tế lên mức hơn 11,5 triệu tỷ đồng.

"Khoản vay 0%" hỗ trợ rất lớn trong khó khăn

Chính sách tài khóa - "chìa khóa vàng" hỗ trợ kinh tế phát triển
Các chính sách tài khóa được ban hành đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa

Những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn đã được đánh giá rất cao. Ví như việc gia hạn thuế, trong các gói hỗ trợ thuế, số tiền gia hạn thuế luôn là lớn nhất, lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong khó khăn, việc gia hạn thuế có tác dụng lớn hơn cả gói giảm lãi suất vì đây thực chất là một “khoản vay 0%” mà Nhà nước dành cho doanh nghiệp để tái tạo nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đại Quảng - Phó Tổng Giám đốc Công ty dệt may Supertex cho biết, mỗi một chiếc máy dệt tự động của công ty có giá trị đến hàng trăm triệu đồng. Trong 5 năm qua, được thụ hưởng từ chính sách gia hạn thuế, phí của Quốc hội và Chính phủ, Công ty đã có thêm dòng tiền để đầu tư, thay đổi trang thiết bị, mua mới thêm nhiều máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất dệt may của mình.

Nhiều doanh nghiệp cũng hân hoan với quyết định giảm thuế nhập khẩu nhiều loại mặt hàng nông sản như khô đậu tương, ngô… để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đánh giá đây là một chính sách thiết thực, bà Nguyễn Thị Dịu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP ABC Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang khó khăn, việc điều chỉnh thuế sẽ giúp giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm, hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí, từ đó tăng sức cạnh tranh.

Chia sẻ tiếng nói của doanh nghiệp nói chung, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng: “Những doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô và doanh thu đang hạn chế thì việc giảm thuế, giảm phí vô cùng quan trọng. Với chính sách này, chúng tôi đánh giá cao tinh thần làm việc quyết liệt của Chính phủ thời gian qua vì đã chạm mạnh đến mong muốn của doanh nghiệp”.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đánh giá cao Chính phủ, Bộ Tài chính thời gian qua cùng với các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc thu ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã chia sẻ, cùng doanh nghiệp vượt qua, quay trở lại, các doanh nghiệp đã có đóng góp lại cho ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng đồng quan điểm khi cho rằng, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao hiệu quả, kết quả điều hành kinh tế - xã hội đất nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt và hiệu quả. Dư địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả.

Tới đây, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt để lên các phương án, kịch bản về chính sách tài khóa trình Chính phủ.

Năm 2025 và những năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới khó khăn và thuận lợi đan xen, tuy nhiên khó khăn là phần nhiều. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Chính sách tài khóa -

Ông Võ Thành Đàng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi: Doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp trở lại cho nền kinh tế

Trong thời gian qua, các chính sách tài khóa được ban hành, triển khai đồng bộ, có hiệu quả, không chỉ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất góp phần đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và dần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao các chính sách tài khóa Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, Quốc hội ban hành trong thời gian qua.

Thực hiện chính sách tài khóa nêu trên, hằng năm, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi được gia hạn ước khoảng 250 đến 260 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất. Với nguồn tài chính được triển khai trong năm 2025, doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính tiếp tục duy trì sản xuất và có điều kiện tìm kiếm các thị trường mới, các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục khó khăn trước mắt để phát triển. Doanh nghiệp chúng tôi ổn định sản xuất kinh doanh, sẽ quay trở lại đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Mặc dù tình hình doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới với nhiều loại hình thiên tai khác nhau như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất và cháy rừng. Với những diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có sự chủ động, ưu tiên nguồn lực không chỉ bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất cho người dân, mà cần phải đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng cho phòng chống thiên tai.

Bên cạnh các chính sách tài khóa được triển khai nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, chúng ta cần phát triển các công cụ tài chính xanh như: tín dụng xanh, cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh..., để huy động nguồn vốn tư nhân, nguồn lực khác cho việc thực hiện các mục tiêu về chống chịu biến đổi khí hậu. Tiếp cận và phát triển các công cụ bảo hiểm rủi ro khí hậu, nhằm giảm tổn thất từ thiên tai, biến đổi khí hậu đối với người dân.

Như chúng ta đã thấy, mặc dù thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế với quy mô lớn, nhưng tổng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo nguồn lực cho các nhiệm vụ ổn định kinh tế - xã hội, điều này cho thấy các chính sách tài khóa được ban hành đã thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Tuấn Nguyễn (ghi)

Chính sách tài khóa -

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME): Giúp doanh nghiệp quay vòng vốn đưa vào sản xuất, kinh doanh

Liên tục trong những năm gần đây, các chính sách tài khóa thông qua miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền có ý nghĩa rất tích cực. Nhiều doanh nghiệp, người dân cảm nhận được sự đồng hành, chia sẻ của Chính phủ và Bộ Tài chính trước những khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước còn nhiều hạn hẹp, điều đó càng có ý nghĩa hơn.

Năm nay, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% hầu hết các mặt hàng trong 6 tháng đầu năm 2025, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, qua đó giúp doanh nghiệp giảm được chi phí khi nhập nguyên liệu đầu vào, quay vòng vốn đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giá thành, tăng tiêu thụ hàng hóa. Về phía người tiêu dùng cũng tăng chi tiêu nhiều hơn khi giá thành hàng hóa giảm…

Tuy nhiên, nền kinh tế những tháng đầu năm 2025 cũng gặp phải thách thức, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, trong đó có thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ cũng đang phải đàm phán về thuế quan.

Trước áp lực trên, việc áp dụng các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế là rất cần thiết. Mới đây, Chính phủ tiếp tục gia hạn thuế và tiền thuê đất, cùng với việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế gia tăng 2% kéo dài thời gian áp dụng đến hết năm 2026 được người dân, doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Để kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo về chính sách tiền tệ, tài khóa để giúp doanh nghiệp nắm bắt tình hình và có biện pháp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp trước những tác động của kinh tế thế giới.

Bên cạnh hỗ trợ về chính sách tài khóa, bản thân doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào công nghệ hiện đại, chuyển đổi số và tự động hóa, nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, cần tập trung đầu tư phát triển các dòng sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Đây là xu hướng tất yếu của tiêu dùng toàn cầu, đồng thời cũng giúp sản phẩm Việt dễ dàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, EU, Canada, Nhật Bản. Văn Nam (ghi)

Chính sách tài khóa -

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Tăng niềm tin của doanh nghiệp, người dân đối với Chính phủ

Giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Quốc hội ban hành những chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nâng cao khả năng chống chịu, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, tạo lực đẩy quan trọng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển.

Trong đó, quy mô ưu đãi, hỗ trợ chưa từng có “tiền lệ” với tổng giá trị hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí và tiền thuê đất với con số kỷ lục hơn 900.000 tỷ đồng. Việc hỗ trợ tài khóa thông qua giảm thuế có hiệu ứng tích cực đến tâm lý, niềm tin của doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sự phục hồi đồng đều của các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại, tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để chủ động thực hiện sớm các kế hoạch đã đề ra, ứng phó phù hợp với thay đổi của bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước, cần tiếp tục phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác mới có thể thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế, thu đúng, thu đủ, tiếp tục giải pháp giảm trốn thuế, nợ đọng thuế, đẩy nhanh tiến trình hoàn thuế… gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số vẫn là những chủ trương, chính sách tài khóa quan trọng thời gian tới.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ tài khóa đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành, nhất là chương trình giảm thuế giá trị gia tăng 2%; gia hạn thuế, tiền thuê đất...

Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh việc sử dụng các nguồn hỗ trợ minh bạch, hiệu quả, để có thể tăng mức độ thẩm thấu chính sách, cần chủ động cơ cấu lại, nâng cao trình độ công nghệ, quản trị doanh nghiệp, chất lượng lao động, quan tâm đến các kênh huy động vốn khác như thị trường chứng khoán, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư, tín chỉ carbon, vừa giảm phụ thuộc vào kênh tín dụng, vừa góp phần đa dạng hóa nguồn vốn, giảm thiểu rủi ro.

Đức Việt (ghi)