VN-Index tụt điểm cuối phiên vì lực chốt lời tăng mạnh
Thị trường chứng khoán hôm nay xuất hiện phiên chốt lời mạnh nhất trong nhịp tăng vừa qua. Nhịp chốt lời mạnh vào cuối phiên khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm khi đóng cửa. Thanh khoản hôm nay tăng mạnh và đây cũng là phiên có mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 2 tới nay. Áp lực bán tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips, dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ.
Theo dữ liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm -9,95 điểm (-0,92%) còn 1.070,91 điểm. Mặc dù điểm giảm khá mạnh nhưng độ rộng của thị trường lại khá cân bằng, mặc dù có nghiêng nhẹ về bên bán. Theo đó, toàn sàn HOSE vẫn có 194 mã tăng, trong khi có 209 mã giảm và 47 mã đứng giá.
Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên chỉ số VN-Index phiên này là: VHM (-1,92%), VCB (-0,98%), VIC (-1,8%), GVR (-3,7%), CTG (-1,5%)… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu lớn khác như: BID (+1,1%), NVL (+3,11%), DPM (+5,41%), TPB (+1,76%), TCB (+0,34%)… |
Bên cạnh đó, chỉ số VN30 cũng sụt giảm -10,97 điểm (-1,01%) xuống 1.078,86 điểm. Ở rổ VN30 chỉ có 7 mã tăng, trong khi có tới 22 mã giảm và 1 mã đứng giá. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt -1,45% và -0,66%.
Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 18.476 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 2 đến nay, đưa thanh khoản kể từ đầu tuần này lên mức 17.097 tỷ đồng, tăng 45,68% so với bình quân tuần trước.
Khối ngoại bán ròng 233 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại tập trung tại các cổ phiếu như: KDH, STB, DXG, KBC, PNJ… Ở chiều ngược lại HDB, VRE, VIC, NVL, VPB… là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.
Tiền "tạm rời" bluechips?
Thị trường chứng khoán hôm nay phần lớn thời gian trong thế giằng co. Thậm chí trong đầu phiên chiều, nhiều người đã tạm mơ về một cú hồi để đóng cửa giá xanh. Tuy vậy, trên thực tế, đà hồi phục bị chặn lại bởi một nhịp chốt lời mạnh trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC). Nhịp xả chốt lời tương đối mạnh lại nhằm vào các bluechip nên khiến VN-Index cũng rơi nhanh.
Thống kê cho thấy, nhóm VN30 có tới 22 mã giảm hôm nay, trong đó lại toàn là các trụ giảm mạnh như: : VHM (-1,92%), VCB (-0,98%), VIC (-1,8%), GVR (-3,7%), CTG (-1,5%)…. Trong 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất thì đều là các mã thuộc nhóm VN30.
Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng, nhưng thực tế hôm nay, lượng giao dịch của khối ngoại tác động không lớn đến thị trường. Vì thế, nhịp chốt lời mạnh chủ yếu là do tác nhân từ dòng tiền nội. Thanh khoản khớp lệnh hôm nay tăng mạnh là do dòng tiền nội bán ra nhiều nhưng bù lại cũng có bên mua hấp thụ áp lực chốt lời.
Áp lực chốt lời xuất hiện bất ngờ cuối phiên khiến VN-Index giảm. Ảnh: Minh họa. |
Việc thị trường xả mạnh và bất ngờ hôm nay có thể khiến tâm lý nhà đầu tư bị dao động vào phiên tới. Rất có thể áp lực bán theo quán tính xuất hiện ít nhất vào sáng mai.
Trong ngắn hạn, nhiều khả năng thị trường sẽ có sự phân hóa. Dòng tiền hiện đang tạm rời các mã bluechips để tìm cơ hội ở nhóm nhỏ và vừa, thậm chí nhiều mã đầu cơ cũng nhận được tiền vào. Do vậy, chỉ số hiện nay chưa phản ánh được nhiều mà quan trọng là kiểm soát danh mục cổ phiếu của mình hiện có.
Theo các chuyên gia của MBS, tín hiệu chốt lời ngắn hạn đã rõ nét hơn cho đến phiên hôm nay. Ở 3 phiên trước thanh khoản cũng ở mức cao nhưng chỉ số VN-Index vẫn không thể “dứt điểm” được vùng cản quanh 1.082 điểm. Với thanh khoản đang ở mức cao nhất hơn 2 tháng qua, thị trường có thể hấp thụ được lượng hàng chốt lời ngắn hạn, tuy vậy với tín hiệu giảm dứt khoát ở những phút cuối phiên cũng như trong phiên ATC thì các nhịp hồi trong các phiên tới sẽ là thời điểm nhà đầu tư tận dụng để chốt lời hơn là mở thêm vị thế mua mới.
Chứng khoán thế giới giao dịch ở trạng thái giằng co kể từ đầu tuần dù giới đầu tư đang đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất trong tháng tới. Đêm qua, thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm khi một loạt số liệu kinh tế yếu làm dấy lên lo ngại rằng việc FED tăng lãi suất mạnh tay rốt cục có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Ngày thứ Năm, thị trường sẽ đón nhận báo cáo của Bộ Lao động Mỹ về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và bài phát biểu của ông James Bullard - Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis. Thị trường sẽ đóng cửa phiên ngày thứ Sáu để nghỉ lễ Good Friday, nhưng Bộ Lao động Mỹ vẫn sẽ công bố báo cáo việc làm tổng thể của tháng 3, với các số liệu quan trọng về số lượng việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương theo giờ. |