Cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp
Mặc dù tâm lý cộng đồng, người dân, xã hội về học nghề đã thay đổi nhiều tuy vậy hoạt động tuyển sinh của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vẫn còn nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, để tuyển sinh được, ngoài việc các trường nâng cao chất lượng đào tạo, thì việc đầu tiên cần làm là có những cam kết rõ ràng về việc làm, thu nhập cho sinh viên, học sinh sau khi ra trường. Thực tế nhiều trường nghề sau khi có các cam kết mạnh mẽ về tạo việc làm, với mức lương ổn định thì đều làm tăng niềm tin của học sinh. Đây là điều kiện giúp học sinh đăng ký theo học.
Có thể kể tới câu chuyện tuyển sinh tại Trường Cao đẳng Cơ điện (Bộ NN&PTNT) như là một điển hình. Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ đầu năm chính ông đã có những cam kết rất mạnh mẽ: "Nếu tốt nghiệp học sinh không có việc làm thì tôi sẽ trả lương cho các em". Để làm được điều này tất cả các khoa của Trường Cao đẳng Cơ điện đã thực hiện liên kết với nhiều doanh nghiệp tạo việc làm cho sinh viên. Sinh viên được tư vấn giới thiệu việc làm ngay trên ghế nhà trường. Ông Ngọc cho biết: "Nhiều năm nay chất lượng tuyển sinh đầu vào của trường rất ổn định. Học lực khá, thậm chí nhiều em dù trúng tuyển đại học nhưng không đi học đại học mà theo học nghề".
Chia sẻ về kết quả tuyển sinh năm học 2022 - 2023, ông Đồng Văn Ngọc cho biết, đến thời điểm này trường đã gần hoàn tất công tác tuyển sinh. Việc tuyển sinh đạt 95% kế hoạch...
Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội |
Tương tự Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội cũng đã tuyển gần đủ chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 của Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội là 1.500 chi tiêu. Đến thời điểm này, hệ trung cấp đã tuyển đủ với 360 chỉ tiêu, còn hệ cao đẳng đã có 970 thí sinh nhập học. Như vậy, nhà trường đã hoàn thành 95 - 96% chỉ tiêu tuyển sinh.
Ông Nguyễn Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội cho biết, các ngành thu hút nhiều thí sinh nhất vẫn là công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, điện - điện tử, kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí và cơ điện tử.
Về chất lượng thí sinh, ông Huy đánh giá, năm nay ghi nhận nhiều thí sinh có ngưỡng điểm cao xác định đi học nghề. “Xu thế chung cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm nay tuyển sinh khó vì tuyển sinh đại học kéo dài đến tháng 12. Hơn nữa, năm nay số lượng sinh viên ít hơn năm trước do dịch bệnh đã giảm nhiều học sinh chọn đi du học, phần nào ảnh hưởng đến tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp”- ông Huy nhận định.
Nhiều trường vẫn gặp khó trong tuyển sinh
Trong khi một số trường khá thuận lợi trong công tác tuyển sinh thì một số cơ sở GDNN khác lại gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Dù đã gần hết tháng 10 nhưng Trường Cao đẳng Điện lực Miền Trung, Quảng Nam mới tuyển được 200 sinh viên hệ cao đẳng. Trong khi khả năng đáp ứng đào tạo của trường là 1.000 sinh viên. So với thời điểm tuyển sinh “vượng” nhất giai đoạn 2008 - 2016, con số này chỉ được 1/10.
Lý giải về tình trạng “èo uột” trong tuyển sinh, ông Phan Thái Bình - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Điện lực Miền Trung cho rằng, với xu hướng chuộng đại học vẫn còn, trong khi chỉ tiêu đại học không khống chế, do vậy trường cao đẳng gặp khó trong nguồn tuyển sinh. Ngoài ra, về lý do chủ quan, hiện ngành điện hiện tiến tới quá trình tự động hóa, tiết giảm lao động, nâng cao hiệu quả năng suất nên nhân lực giảm. “Chủ trương của tập đoàn này muốn đi sâu đào tạo cho ngành điện chất lượng cao, chứ không đào tạo rộng cho xã hội”- ông Phan Thái Bình chia sẻ.
Quy chế tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng Tại Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành quy định mới về đối tượng tuyển sinh cao đẳng nghề.Thông tư nêu rõ đối tượng tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng gồm: Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định. |
Bà Phạm Thị Huyền - Trung tâm Tuyển sinh, Hợp tác doanh nghiệp và quốc tế, Trường Cao đẳng nghề Long Biên (Hà Nội) đồng tình với quan điểm tuyển sinh đại học "rộng cửa" khiến các cơ sở GDNN mất dần nguồn tuyển sinh. Bà Huyền cho biết, dù rất nỗ lực nhưng đến giờ phút này trường mới hoàn thành 80% chỉ tiêu tuyển sinh năm nay.
Theo bà Phạm Thị Huyền, năm nay hệ 9+ của nhà trường đã “chốt” số lượng tuyển sinh, còn hệ cao đẳng và trung cấp đối với học sinh tốt nghiệp THPT vẫn chưa "chốt". Số thí sinh đăng ký vào trường không có nhiều thay đổi so với năm học trước.
Theo bà Huyền, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có một số điều chỉnh trong việc tuyển sinh đại học đã tác động đến kế hoạch tuyển sinh của nhà trường. Hơn nữa, ngoài Trường Cao đẳng nghề Long Biên, một số trường đại học cũng tuyển sinh các ngành về may và thời trang. "Một số trường đại học tuyển sinh nhiều đợt, điểm chuẩn không cao và họ cũng đào tạo hệ cao đẳng. Nếu người học không biết đến những thế mạnh của trường nói chung, việc học nghề nói riêng và những cam kết mạnh mẽ của nhà trường thì với cùng số điểm đó, họ sẽ chọn đại học thay vì cao đẳng nghề"- bà Huyền nói.