Longform: Ngành Tài chính kiên định điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng
Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Chuyển đổi số, bước đột phá và tầm nhìn chiến lược trong cải cách của ngành Tài chính
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phải coi đẩy nhanh giải ngân là động lực tăng trưởng kinh tế

Nhạy bén đồng hành cùng sự phục hồi kinh tế thế giới

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội vào phiên khai mạc, trong những tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có nhiều tín hiệu tích cực khi kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%.

Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD.

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng vào sự điều hành linh hoạt của Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ trao đổi với đại biểu Quốc hội trong giờ nghỉ của phiên họp.

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đồng thời ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%. Đến ngày 15/5/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,27% kế hoạch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước đạt trên 7,71 tỷ USD, tăng 7,8%.

Nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động; các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khẩn trương triển khai.

Cho ý kiến tại tổ và trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao những kết quả đạt được năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022. ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nhận định, điều này thể hiện sự nhạy bén của chúng ta khi có thể đồng hành với quá trình phục hồi của kinh tế thế giới, cũng như tận dụng sự đứt gãy của chuỗi phân phối trên thế giới để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ngày 30/5, chia sẻ với phóng viên bên lề hội trường, các ĐBQH đều đánh giá cao kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm và bày tỏ kỳ vọng vào sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, nỗ lực trong những tháng cuối năm để có thể hoàn thành được các mục tiêu đã đặt ra.

Điều hành nhịp nhàng chính sách tài khoá và tiền tệ

Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm 2022, các ĐBQH nhận định “còn nhiều khó khăn”, trong khi chúng ta cũng phải đặt được mục tiêu tăng trưởng cao để có thể phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Nhiều ĐBQH tán thành với nhiều nhiệm vụ được Ủy ban Kinh tế đưa ra trong báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế- xã hội và đặc biệt lưu ý, cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng vào sự điều hành linh hoạt của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (bên phải) bên hành lang Hội trường Diên Hồng.

ĐBQH Phạm Đình Toản (Hưng Yên) chỉ rõ, cần tiếp tục chú ý nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập kế hoạch, vì trong bối cảnh đầy biến động, thay đổi nhanh chóng hiện nay thì công tác này có chất lượng cao sẽ giúp chúng ta phản ứng linh hoạt, đồng thời tiết kiệm nguồn lực, chi phí thực hiện. “Đơn giản như nếu công tác phòng, chống dịch không được dự báo tốt thì có thể xảy ra tình trạng thiếu nguồn lực hoặc dư thừa, lãng phí” - ĐB Phạm Đình Toản nêu ví dụ.

ĐBQH Phạm Đình Toản cũng đề nghị, các bộ, ngành cần chú ý đề xuất, thực hiện các giải pháp để tránh làm mất mát nguồn lực đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là nghiên cứu thấu đáo về việc xác định giá trị đất trong quá trình thực hiện công tác này.

ĐBQH Trần Văn Tuấn - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thì cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 42/2022/QH15, Chính phủ sẽ mạnh dạn phân cấp phân quyền hơn nữa để gắn trách nhiệm địa phương, để phát huy hiệu quả hơn nữa.

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội), nếu chúng ta thực hiện nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và tiền tệ thì vẫn có thể kiểm soát được lạm phát trong khuôn khổ cho phép và khi kiểm soát được lạm phát, ổn định vĩ mô thì tăng trưởng kinh tế kỳ vọng đạt mục tiêu.

Nhiều ĐBQH quan tâm đến việc giải ngân gói đầu tư công thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội nói riêng và gói giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch hàng năm.

Theo ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên), tuy đây mới là những năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, song Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, trực tiếp làm việc, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho nhiều công trình, dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn (như Nhiệt điện Thái Bình 2, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đường cao tốc Bắc-Nam…) và nhiều dự án trong số 12 đại dự án ngành Công thương tồn tại qua 2 nhiệm kỳ Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo.

Điều này đã phục hồi được sản xuất, giải quyết nhiều điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. “Đây là những nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà theo tôi, lẽ ra trong báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần làm rõ hơn trong phân tích bài toán chi phí - hiệu quả của đầu tư công” - ĐB Tạ Thị Yên nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực, kết quả đạt được, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ rõ, còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm tiến độ nhiều dự án, đặc biệt là những dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Do đó, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo và có ý kiến đối với các bộ, ngành, địa phương không bảo đảm tiến độ công trình, dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA gây lãng phí nguồn lực tài chính công, giảm hiệu quả đầu tư công./.

Đại biểu đánh giá cao nỗ lực điều hành chính sách tài chính

Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, nhiều ĐBQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp về tài chính - ngân sách nhà nước, nhờ đó, thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, có nguồn lực để thực hiện chi cho các nhiệm vụ trong dự toán và nhiệm vụ cấp bách, phát sinh, nhất là chi cho phòng, chống dịch Covid-19.

Các chỉ tiêu về nợ công cũng được giữ ở mức thấp hơn nghị quyết của Quốc hội cũng như so với bình quân của giai đoạn trước. Các chỉ tiêu về tiết kiệm chi thường xuyên, hiệu quả, hiệu lực chi tiêu ngân sách đều có những chuyển biến tích cực./.