Đại biểu Quốc hội kiến nghị bỏ phương pháp thặng dư khi định giá đất Cơ sở xác định giá đất theo thị trường còn mơ hồ Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều chính sách quan trọng chưa có phương án tối ưu

Trao quyền cho Nhà nước là phù hợp

Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở đường lối của Đảng, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đã xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở quy hoạch kinh tế - xã hội đó, cấp có thẩm quyền còn phê duyệt các chủ trương thực hiện các dự án là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đề xuất Nhà nước đứng ra thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Các dự án trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều phục vụ cho mục đích quốc gia, dân tộc.

Vì vậy, đại biểu cho rằng tất cả các dự án trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được các cấp có thẩm quyền, bao gồm cả Quốc hội, Chính phủ và cả UBND các địa phương phê duyệt và thông qua đều là các dự án phục vụ cho mục đích quốc gia, dân tộc.

Bởi vì, các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vừa làm ra lợi nhuận của mình lại vừa đóng góp vào sự phát triển của xã hội, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, đóng góp vào tăng trưởng.

Quy định tại Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhận được nhiều ý kiến.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, Điều 79 quy định về các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, như vậy có thể vẫn chưa bao quát hết, chưa thể giải quyết triệt để một trong những bất cập lớn nhất đang đặt ra là khi Nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất do Nhà nước ban hành, trong khi các doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn.

“Tôi mạnh dạn đề xuất với Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Điều 79 và các điều khoản liên quan trong dự thảo luật theo hướng: Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án” - đại biểu Trần Văn Tuấn nói.

Có nhiều lý do khiến một số đại biểu cho rằng, nên để Nhà nước đứng ra thực hiện thu hồi đất. Đó là, với 31 trường hợp do nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 79 phạm vi bao quát là khá rộng. Các trường hợp dự án phát triển kinh tế - xã hội còn lại thuộc diện thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không nhiều.

Bên cạnh đó, không có căn cứ cụ thể, thuyết phục đối với việc phân biệt trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác. Xét cho cùng, mọi trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều phải tuân thủ pháp luật, phải phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Trên thực tế khi doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thường là đất nông nghiệp, sau đó chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án. Còn người có đất khi chuyển nhượng đất nông nghiệp thường đòi hỏi giá cao hơn, tương đương với loại đất khác, là điều vô lý.

Nếu quy định nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, sẽ góp phần khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc bởi những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai hiện hành như đã phân tích ở trên. Đặc biệt, tình trạng đơn thư khiếu kiện sẽ giảm; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch hơn.

Đấu thầu là phương án tốt nhất

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị bỏ quy định việc nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ, tức là bỏ khoản 27 Điều 79.

Đề xuất Nhà nước đứng ra thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội
Các đại biểu Quốc hội đã có ngày làm việc trách nhiệm, hiệu quả với nhiều phát biểu, tranh luận đóng góp cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Bởi vì, dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là dự án chủ yếu mang lại giá trị lợi nhuận cho nhà đầu tư. Do đó, nên áp dụng cơ chế tự thỏa thuận để đạt được sự đồng thuận giữa người dân và chủ đầu tư cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Đồng thời, để đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Đồng thời, dự thảo luật cần quy định cơ chế để giải quyết trường hợp chủ đầu tư không thể thỏa thuận hết với các chủ sử dụng đất có liên quan.

Bấm nút tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, Nghị quyết 18-NQ/TW có nêu là tiếp tục cơ chế thỏa thuận trong thu hồi đất, nhưng nghị quyết cũng không yêu cầu tất cả các dự án đều phải thỏa thuận.

Tất cả các khoản của Điều 79 đều là lợi ích công, nhưng quan trọng nhất phải phát huy được nguồn lực của đất đai và biến đất đai trở thành sức mạnh của nền kinh tế thì phải cho phép thu hồi đối với các dự án.

Cũng bấm nút để tranh luận về điều này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, nếu kiểm soát chặt quá có thể sẽ không khuyến khích nhà đầu tư và sẽ làm kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nếu buông lỏng thì có thể lợi ích siêu ngạch sẽ phục vụ cho thiểu số.

“Để kiểm soát được thì không gì tốt hơn là đấu thầu. Để đấu thầu được thì phải thu hồi đất, nhà nước phải là chủ thể thì mới mang đi đấu thầu được. Nếu làm được như thế thì việc đền bù sẽ là nhà nước đền bù cho dân trong quá trình thu hồi. Lúc đấy sẽ tiếp cận được giá thị trường theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. Như vậy, rất công bằng cho người sử dụng đất bị thu hồi, cho nhà đầu tư sau này và Nhà nước cũng tránh được thất thoát” - đại biểu Nguyễn Quang Huân nói./.

Không buông lỏng cũng không kiểm soát quá chặt

Để phát huy được nguồn lực của đất đai và biến đất đai trở thành sức mạnh của nền kinh tế, thì phải cho phép thu hồi đối với các dự án.

Tuy nhiên, nếu kiểm soát chặt quá có thể sẽ không khuyến khích nhà đầu tư và sẽ làm kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nếu buông lỏng thì có thể lợi ích siêu ngạch sẽ phục vụ cho thiểu số.