tc

Trường ĐH Tài chính - Marketing là 1 trong 5 trường đầu tiên được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cơ chế tự chủ đã cho phép nhà trường đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy; thúc đẩy các trường liên kết với thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

* PV: Được biết, ĐH Tài chính - Marketing được Nhà nước giao thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77/NĐ-CP từ năm 2015, xin ông cho biết kết quả thực hiện của trường?

- Ông Hoàng Đức Long: Trên cơ sở đề án tự chủ của trường và sự nhất trí đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 378/QĐ-TTg ngày 23/3/2015 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của ĐH Tài chính - Marketing giai đoạn 2015 - 2017. Trường chúng tôi là 1 trong 5 trường đầu tiên được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

Có thể khẳng định, việc được giao thí điểm tự chủ đã tạo không khí phấn khởi trong toàn trường, từ đó tạo động lực cho sự phát triển của trường về mọi mặt. Nhà trường đã được tự chủ trong công tác tuyển dụng viên chức, tự chủ trong việc mở ngành đào tạo, phê duyệt đề án liên kết đào tạo quốc tế và tự chủ mức thu về học phí đối với các hệ đào tạo. Các khoản thu từ hoạt động đào tạo không phải gửi về Kho bạc Nhà nước như trước đây mà được gửi ngân hàng, lãi từ khoản tiền gửi ngân hàng được trích lập quỹ học bổng sinh viên. Cơ chế tự chủ đã cho phép trường đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy; thúc đẩy các trường liên kết với thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, liên kết phát triển các chương trình quốc tế.

hoàng đức long

Ông Hoàng Đức Long

* PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhà trường có gặp khó khăn khi áp dụng cơ chế tự chủ và đề xuất của nhà trường thế nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thưa ông?

- Ông Hoàng Đức Long: Trong thời gian thí điểm, do văn bản quản lý của Nhà nước chưa đầy đủ, không đồng bộ, hành lang pháp lý không rõ ràng khiến chúng tôi khó mạnh dạn vận dụng, phát huy, làm mất cơ hội tự chủ,… Đây là cản trở lớn nhất mà trường phải đối mặt trong suốt thời gian thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ.

Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống các văn bản quy định khuôn khổ pháp lý, mức độ và các giới hạn (nếu có) đối với các trường được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực: Công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ chế tài chính, quy định về quản lý vốn, tài sản; công tác tuyển sinh, đào tạo, mở ngành; công tác quản lý khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế; liên kết đào tạo trong và ngoài nước,… làm cơ sở để trường tự chủ tự xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện trong nội bộ. Cụ thể, Nhà nước cần sớm ban hành nghị định về cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học công lập. Đồng thời, có chính sách cho vay vốn hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với trường đại học được giao tự chủ để đầu tư phát triển cơ sở vật chất (cả lĩnh vực mua đất để đầu tư xây dựng trường, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất).

Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định bảo đảm quyền tự chủ về chuyên môn, học thuật cho các trường như: Tăng cường quản lý chất lượng đầu ra, hạn chế quy định cứng các chỉ tiêu đầu vào; tăng tỷ lệ giảng viên ngoài cơ hữu, có năng lực, trình độ đang làm việc cho trường để xét quy mô tuyển sinh...

Các bộ, ngành trung ương cần có hướng dẫn cụ thể hơn nữa về các nội dung chi cho khoa học công nghệ theo Nghị định 99/2014/NĐ-CP và Nghị định 73/2015/NĐ-CP (chẳng hạn chi lương cho nghiên cứu viên, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tiềm năng, chi đầu tư cơ sở vật chất…).

* PV: Vậy, kế hoạch thực hiện tự chủ của nhà trường trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

- Ông Hoàng Đức Long: Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức rà soát và công bố các chương trình đào tạo hiện có; hoàn thiện khung chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng; bảo đảm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ thực hiện đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu xã hội; mở các ngành/chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng theo nhiệm vụ được giao; triển khai đào tạo theo định hướng ứng dụng đối các ngành/chuyên ngành phù hợp.

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, nhà trường sẽ xây dựng các chính sách thu hút giảng viên có học vị tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư (trong nước, nước ngoài) về công tác tại trường. Đồng thời, xây dựng, ban hành kế hoạch đào tạo tiến sĩ cho các chức danh từ phó trưởng bộ môn trở lên nhằm đảm bảo đạt tiêu chuẩn của từng chức danh.

Về tài chính, nhà trường sẽ tập trung thực hiện và chỉ đạo tốt công tác dự báo, kế hoạch về tài chính trong từng năm và định hướng cho những năm tiếp theo đúng Chiến lược phát triển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Bên cạnh đó, nhà trường sẽ xây dựng Đề án tự chủ cho giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước về cơ chế tự chủ; xây dựng kế hoạch tài chính ngắn hạn, trung hạn, dài hạn theo quy định hiện hành và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Bùi Tư (thực hiện)