Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cho biết như vậy khi trao đổi với PV TBTCO về sự liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân trong lĩnh vực chế biến nông sản.

PV: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về tình hình chế biến nông sản trong nước nói chung?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Có thể nói rằng trong 10 năm trở lại đây, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Cùng với sự tăng trưởng trong sản xuất, công nghiệp chế biến đã có những bước tiến vượt bậc với trên 5.000 DN quy mô công nghiệp và khoảng 1,5 triệu lao động.

Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, chúng ta đã có chủ trương đẩy mạnh hình thành và phát triển hệ thống chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu, trong đó đẩy mạnh một số ngành chế biến nông sản có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, mang tầm của khu vực và thế giới. Thực tiễn một số mặt hàng như hạt điều, tiêu, trái cây nhiệt đới…đã có những kết quả rất tốt.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức sâu sắc hiện nay khâu chế biến vẫn còn nhiều việc phải làm ở nhiều cấp độ, đặc biệt từ cấp độ DN trước đòi hỏi, áp lực ngày càng lớn của thị trường đầu ra và đòi hỏi từ chính sự đa dạng, đặc thù của sản phẩm nông sản chúng ta đang có. Nhiều sản phẩm của chúng ta có tiềm năng xuất khẩu, tuy nhiên có chu kỳ thu hoạch, bảo quản không dài, nhất là sản phẩm cần được xuất khẩu ở các thị trường ngoài nước. Do vậy, khâu chế biến, mà cụ thể là áp dụng khoa học công nghệ vào sơ chế, bảo quản, chế biến cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Ông Toản
  Ông Nguyễn Quốc Toản

Năm 2018 là năm Bộ NN&PTNT chú trọng đẩy mạnh toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu. Theo tính toán, có khoảng 8 - 9 nhà máy chế biến nông sản khánh thành từ nay đến cuối năm.

Riêng tổng đầu tư vào các nhà máy rau củ quả ước khoảng 5.710 tỷ đồng, mảng chế biến chăn nuôi khoảng 3.900 tỷ đồng. Hầu hết các dự án hiện nay đang trong quá trình chạy đua đảm bảo tiến độ để góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách bền vững, trong đó góp phần hình thành một nền công nghiệp chế biến nông sản có sức hội nhập, làm trụ đỡ cho đầu ra của sản phẩm.

PV: Hiện nay, vẫn có sự 'bẻ kèo' giữa các DN và bà con nông dân thể hiện tính liên kết giữa các bên chưa thực sự chặt chẽ, chuyên nghiệp. Trước tình trạng đó, Bộ NN&PTNT nói chung và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nói riêng đã thực hiện kế hoạch hành động như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Toản: DN, nông dân và tất cả các chủ thể khác nhau hiện nay đều nhận thức rõ thị trường đầu ra là tín hiệu quyết định sản xuất. Giải quyết vấn đề này, trước tiên, chúng ta phải có thông tin thị trường.

Vừa qua chúng ta đã làm và có sự chuyển dịch. Hàng tháng, chúng tôi đã có giao ban thường kỳ cấp cục, vụ, phối hợp các đơn vị của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, các đơn vị chỉ đạo sản xuất của Bộ NN&PTNT, chủ động cung cấp thông tin chính ngạch về sản phẩm, thị trường tới các địa phương, hiệp hội, đoàn đại biểu quốc hội các địa phương để cùng liên thông về vấn đề thông tin.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ các cơ quan báo chí và nhận được sự đồng hành cổ vũ to lớn của báo chí trong việc phục vụ nhu cầu thông tin thị trường nông sản.

Như bạn đã chia sẻ, tính chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất, tổ chức bao tiêu sản phẩm, nhận định về thị trường, đánh giá thị trường của DN và người nông dân... nói chung còn khiêm tốn. Tôi cũng thấy rằng, nếu DN luôn nâng cao nhận thức về trách nhiệm, giữ chữ tín trong liên kết, bao tiêu đầu ra và bà con nông dân ta chủ động hơn, tuân thủ quy trình kỹ thuật và đòi hỏi của thị trường... thì đây là vừa là chia sẻ trách nhiệm, vừa là chia sẻ lợi ích trong chuỗi giá trị khép kín.

Hiện nay, điều đáng mừng là đã có 63/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xây dựng phát triển 818 mô hình chuỗi liên kết nông sản sạch, có khoảng 1.398 sản phẩm và 3.080 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi, trong đó có khoảng hơn 100 hợp tác xã, 250 công ty tham gia mô hình này.

Chúng tôi cho rằng, đây là những con số biết nói, bởi chỉ khi khẳng định bằng các chuỗi nông sản sạch có sự góp sức của các DN, bà con nông dân mới tiến sâu, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Và thị trường là câu trả lời cuối cùng cho việc tiêu thụ, cho chất lượng sản phẩm.

PV: Vậy thời gian tới, để thu hút DN đầu tư vào khâu chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp cần tập trung cơ chế chính sách gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Hiện nay, theo thống kê, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp khoảng hơn 3.500 DN. Cơ chế chính sách để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là khấu chế biến hiện nay tương đối đồng bộ và toàn diện, kể cả khâu tổ chức sản xuất, kể cả mặt thị trường.

Mặc dù vậy, quan trọng hơn DN phải luôn chủ động trong sân chơi hội nhập, bởi vì muốn xuất khẩu mạnh mẽ hơn, ngoài cơ chế chính sách thì DN đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt. Chúng tôi hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN, mà phần lớn từ khu vực tư nhân sẽ tạo thành mũi nhọn, điểm sáng trong thời gian tới.

Chúng tôi đang tham mưu lãnh đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và một số tổ chức quốc tế tổ chức Diễn đàn quốc tế về lĩnh vực chế biến nông sản vào cuối năm nay nhằm thu hút sự quan tâm nhiều hơn của các nguồn lực trong và ngoài nước, cộng đồng DN để tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ phục vụ mục tiêu trên.

Riêng về sơ chế bảo quản ở quy mô hợp tác xã, các hộ nông dân cũng đã có sự chuyển dịch sâu sắc về nhận thức và cách làm. Theo đó, từ người dân sản xuất ra sản phẩm đã ý thức được cần có bao bì đóng gói, sơ chế theo quy trình mới có thể "đi được đường xa", ra được chợ lớn.

Tất nhiên, cần phải có nhiều hơn sự hỗ trợ của các cấp bộ ngành, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, địa phương, DN và các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại.

PV: Xin cảm ơn ông !

Khánh Linh - Tú Minh