PV: Được biết, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Xin ông chia sẻ về việc xây dựng dự thảo này?

Đổi mới thủ tục hải quan ngày càng tinh gọn, đơn giản
Ông Đào Duy Tám

Ông Đào Duy Tám: Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều điều chỉnh liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; đến thủ tục hải quan, công tác kiểm tra, giám sát hải quan, quản lý thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu.

Xuất phát từ những điều chỉnh đó, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và thay thế toàn bộ nội dung của Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 08. Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan cũng được Bộ Tài chính giao chủ trì xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung tương ứng.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện dự thảo và tổ chức xin ý kiến qua nhiều vòng tới đối tượng là các bộ, ngành, hải quan địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo dự kiến, dự thảo thông tư này sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định của một số thông tư đang có hiệu lực thi hành gồm: Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38; Thông tư 72/2015/TT-BTC quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DN; Thông tư 07/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 72; Thông tư 06/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2019 về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu,…

Giải quyết các thủ tục thông quan hàng hóa nhanh chóng, minh bạch.
Giải quyết các thủ tục thông quan hàng hóa nhanh chóng, minh bạch.

PV: Như ông vừa chia sẻ, dự thảo thông tư đã được xin ý kiến qua nhiều cấp có liên quan. Trong quá trình đó, những vấn đề nào được quan tâm nhiều nhất, thưa ông?

Ông Đào Duy Tám: Trong quá trình lấy ý kiến, các vấn đề được quan tâm, phản hồi nhiều nhất chính là các vấn đề DN gặp vướng mắc trong thực tế. Đơn cử như việc kiểm tra, xác định trị giá. Một số đơn vị phản ánh vướng mắc do việc tham vấn chưa thực hiện thống nhất dẫn đến tình trạng một mặt hàng bị tham vấn đi tham vấn lại nhiều lần, tăng số lượng công việc phát sinh đối với cơ quan hải quan.

Một vấn đề nữa nổi lên liên quan đến việc khai sửa đổi, bổ sung hồ sơ hải quan do thực tế phát sinh các trường hợp sau khi hàng hóa được thông quan, đưa về kho của DN mới phát hiện thừa hoặc thiếu. Gặp vấn đề này, việc DN chứng minh được nguồn gốc hàng hóa thừa thiếu khá phức tạp.

Trong vấn đề quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, vướng mắc nằm ở việc nhiều DN gặp khó khăn trong quá trình theo dõi, xác định định mức, đặc biệt là các ngành hàng có số lượng mã nguyên liệu lớn như điện tử, may mặc,… Các DN có phần mềm theo dõi nhập, xuất, tồn nguyên liệu đưa vào sản xuất, nhưng chưa có hệ thống tự động tính toán được định mức trong quá trình sản xuất. Cơ quan hải quan cũng chỉ có định mức khi DN báo cáo quyết toán vào cuối năm tài chính chứ không có cơ sở dữ liệu để đối chiếu đánh giá rủi ro trong quá trình theo dõi hoạt động của DN.

Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 08/2015/NĐ-CP

Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và thay thế toàn bộ nội dung của Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 08. Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan cũng được Bộ Tài chính giao chủ trì xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung tương ứng.

PV: Xin ông chia sẻ những điểm đổi mới, cải cách nổi bật được xây dựng trong dự thảo Thông tư?

Ông Đào Duy Tám: Tại dự thảo, chúng tôi quán triệt tinh thần phi giấy tờ, đặc biệt là các quy định liên quan đến bộ hồ sơ thực hiện thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính khác. Theo đó, chúng tôi đẩy mạnh việc sử dụng, trao đổi, kết nối chia sẻ thông tin, hồ sơ liên quan với các bộ, ngành, DN qua đó cắt giảm thủ tục hành chính. Ví dụ như việc chia sẻ thông tin khai báo chi tiết thông tin, số khung, số máy, chủng loại của phương tiện vận tải đường bộ (xe mô tô, xe ô tô) cho các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục đăng kiểm, đăng ký…góp phần bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc. Hay như việc đưa vào dự thảo nội dung khuyến khích các DN, có kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan thì sẽ không phải nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên phụ liệu bằng giấy nữa mà cơ quan hải quan sẽ trực tiếp sử dụng dữ liệu điện tử để kiểm tra.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục việc đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia; điện tử hóa các giao dịch, trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với người khai hải quan; tiết giảm các giấy tờ DN phải nộp thông qua việc đưa lên hệ thống điện tử…

Những cải cách này sẽ góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người khai hải quan, giảm bớt thời gian, chi phí trong quá trình làm thủ tục.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu

Thủ tục hải quan có thuận lợi, minh bạch, chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Theo ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/ TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC về hướng dẫn thi hành Luật Hải quan là những văn bản quan trọng đối với DN trong thực hiện thủ tục hải quan và đặc biệt sẽ tác động lớn đến hoạt động khai thuế hải quan. Các văn bản dự thảo nói trên sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục triệu lô hàng xuất nhập khẩu hàng năm ở Việt Nam.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong giai đoạn vừa qua ngành Hải quan đã đi được những bước rất dài trong cải cách thủ tục hành chính. Đối với hai dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đang được hoàn thiện, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng thủ tục có thuận lợi hay không, minh bạch hay không, chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng xây dựng văn bản. Sự tham gia của chính DN trong việc đóng góp ý kiến vào việc xây dựng chính sách là bước rất quan trọng. Cũng đánh giá cao những nỗ lực cải cách của cơ quan hải quan, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong dự thảo các văn bản trên có nhiều điểm mới. Bà Nguyễn Minh Thảo đánh giá cao các vấn đề tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh được Ban soạn thảo đưa vào dự thảo. Các vấn đề về trị giá, mã số, quá cảnh trong dự thảo cũng có nhiều điểm mới.