Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 (sáng 11/8/2021).

Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trong thời khắc đầy khó khăn này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn quân, toàn dân cùng cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết để chiến thắng đại dịch, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường mới.

Ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch.

Khơi dậy tinh thần đoàn kết của cả dân tộc góp phần tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư cũng thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về việc tạo điều kiện hết sức để chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của nhân dân là trên hết, trước hết; thể hiện quyết tâm cao đẩy lùi bằng được dịch bệnh. Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng ta đã chạm đến trái tim của mỗi người, hiệu triệu toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở trong và ngoài nước đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức của dịch bệnh.

Hơn một năm chống chọi với “giặc” dịch bệnh, là hơn một năm - “lo ngày, lo đêm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước” - như chia sẻ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Theo ông, lo nhất là làm sao đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân dân và không chỉ đảm bảo tính mạng, sức khỏe, mà còn phải đảm bảo cho cuộc sống người dân không bị nghèo đi. Cả hai nhiệm vụ lúc này đều là vô cùng khó khăn nhưng phải làm tốt nhất với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV vừa kết thúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm các tỉnh miền Nam, nơi đang vất vả nhất cả nước vì dịch bệnh. Không bỏ sót bất kỳ thông tin nào và nắm rất cụ thể, sát sao về tình hình chống dịch cho nhân dân, ông yêu cầu tất cả cấp ủy chính quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấm dứt tình trạng báo tin không có người nhận, bệnh nặng không ai xử lý, luôn ở bên người dân để chăm sóc hỗ trợ bà con, không để bà con quá khó khăn, nhất là tại các khu cách ly.

Thăm Đảng bộ, nhân dân TP. Hồ Chí Minh trong đó có hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, nói chuyện với Chủ tịch nước qua hàng rào khu phong tỏa, người dân cho biết điều kiện sinh hoạt, cung cấp nhu yếu phẩm trong những ngày thành phố giãn cách theo chỉ thị 16 cơ bản đầy đủ. Khi có việc cần, bà con gọi đều được cơ quan chính quyền hỗ trợ.

Ngày 13/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới động viên và làm việc với lãnh đạo của TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch nước gợi ý TP. Hà Nội chủ động tìm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kết hợp chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh ở mức độ phù hợp để có nguồn lực chống dịch, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội. Cùng với đó, cần có kế hoạch tái thiết nền kinh tế, ổn định tâm lý xã hội, nhất là các giải pháp tài khóa, tài chính, khoa học và công nghệ để sau khi chống dịch thành công, Hà Nội phải là trung tâm sản xuất phát triển mạnh mẽ...

Dịch bệnh có thể còn kéo dài và đang đặt ra thách thức lớn trong công tác phòng, chống dịch và những nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh này, tại hội nghị đầu tiên của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Trên tinh thần khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần “tương thân tương ái”, nỗ lực vượt khó của dân tộc ta, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các lực lượng chống dịch tuyến đầu: Cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an, nhà báo, đội tình nguyện… tiếp tục thi đua, thể hiện ý chí “chân cứng đá mềm”, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, tận tâm, tận lực phục vụ đồng bào; đồng thời bảo đảm an toàn chống dịch. Các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần và sức mạnh, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức...

“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” là tinh thần đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp. Phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, Đảng, Nhà nước rất thấu hiểu, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là thời điểm khó khăn tác động mọi mặt đối với doanh nghiệp, nhưng càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải giữ bản lĩnh, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến, đoàn kết chống dịch và sản xuất.

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có những động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt, đồng hành chặt chẽ với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30, tăng thêm thẩm quyền và tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành trung ương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây là một quyết sách được đánh giá là đặc thù, đặc cách và đặc biệt. Đặc biệt, ngay trong đêm 6/8, sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Nghị quyết được ký sau hàng loạt cuộc họp giữa lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan chức năng của Quốc hội và cuộc họp của UBTVQH trong ngày 5 và 6/8.

Đã có rất nhiều cuộc họp triệu tập ngay trong ngày nghỉ, những quyết sách được gấp rút đưa ra có tính mở đường, thể hiện sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Quốc hội nước ta với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đây là những động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, UBTVQH, thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội - Quốc hội hành động, đồng hành với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch.

Có thể cảm nhận rõ ràng, sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ những việc cụ thể nhất. Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ những nỗi niềm nhỏ nhất đã và đang giúp cho nhân dân thêm vững tin vào thắng lợi của cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Đám mây đen Covid-19 đã phủ nghịch cảnh lên cuộc sống của chúng ta. Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng chúng ta vẫn luôn tràn đầy hy vọng và tin tưởng bình minh của cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại – đúng như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu.

Ngoại giao vắc-xin và những việc làm chưa từng có tiền lệ

Ngày 13/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg về thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin. Công tác ngoại giao vắc-xin đã được tiến hành rất khẩn trương và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chưa bao giờ, thường trực trong các cuộc họp, gặp gỡ hay điện đàm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta với các đối tác, mà câu chuyện vắc-xin lại được đặt lên hàng đầu như thế. Đề nghị đẩy nhanh việc sớm cho Việt Nam mua vắc-xin, được tài trợ vắc-xin, thậm chí cả vay trước vắc-xin… cũng được đặt ra. Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vắc-xin. Ngày 18/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư cho lãnh đạo EU mong muốn EU xem xét hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam, có tiếng nói đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vắc-xin cho Việt Nam.

Sự vào cuộc của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khơi nguồn vắc-xin về Việt Nam dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêm vắc-xin tại các điểm nóng Covid-19 trong cả nước.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)