PV: Ông có kỳ vọng gì vào tuyến đường vành đai 4 mà Hà Nội và các tỉnh đang rốt ráo triển khai?

Động lực mới phát triển kinh tế cho vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận
GS. Đặng Hùng Võ

GS. Đặng Hùng Võ: Tuyến đường vành đai 4 hình thành được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong liên kết vùng, bảo đảm kết nối giữa các địa phương lân cận với TP. Hà Nội. Đường vành đai 4 cũng góp phần mở rộng không gian, tạo động lực phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất phía Tây vành đai 4 địa phận Hà Nội; phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh; các khu đô thị Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức đã được quy hoạch; các khu đô thị, công nghiệp 2 bên tuyến trên địa phận các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh...

Khi hoàn thành bộ đôi đường vành đai 3,5 và vành đai 4 là giải pháp hoàn thiện hệ thống đường bộ của vùng Thủ đô, kết nối xuyên suốt đến cả 10 địa phương phía Bắc. Đặc biệt, các dự án hạ tầng nghìn tỷ còn là "bàn đạp" tiếp cận các khu vực kinh tế, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh. Đây cũng là động lực cho sự hình thành các đô thị vệ tinh, kéo cư dân từ nội đô ra các khu vực xung quanh, giúp giảm áp lực cho lõi đô thị của Hà Nội.

PV: Ngoài việc giảm áp lực giao thông và tạo liên kết vùng, theo ông, đường vành đai 4 còn mở ra cơ hội gì cho Hà Nội và các tỉnh lân cận trong việc phát triển kinh tế?

GS. Đặng Hùng Võ: Thông thường đường vành đai nằm bao quanh hành lang các thành phố lớn, có ý nghĩa kết nối trên diện rộng, tác động tới nhiều khu vực, vùng lân cận, tạo nên mạng lưới phát triển kinh tế vùng cho mỗi quốc gia.

Tại Hà Nội, các tuyến vành đai không chỉ giảm tải áp lực giao thông nội đô, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai. Đi cùng sự phát triển của các dự án vành đai, là hệ thống hạ tầng quy mô, các trung tâm kinh tế, tài chính sôi động...

Đến nay, Hà Nội đã quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5). Các đoạn tuyến vành đai nói trên đã tạo nên một trục đường chạy xuyên suốt, giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm Thủ đô và đặc biệt đã thúc đẩy kết nối từ khu vực cầu Vĩnh Tuy đến sân bay Nội Bài.

Nguồn: UBND TP. Hà Nội
Nguồn: UBND TP. Hà Nội

Bên cạnh việc giảm tải áp lực giao thông nội đô và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của khu vực, tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô sẽ giúp kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương. Điều này tạo tiền để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất giữa các tỉnh thành.

Đặc biệt, cùng với sự xuất hiện của các tuyến đường vành đai, các hệ thống cầu tạo lợi thế kết nối tốt giữa khu vực bờ Đông sông Hồng với trung tâm Hà Nội, cũng như đi các tỉnh thành lân cận sẽ tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

PV: Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các địa phương cùng các sở, ngành liên quan phải ưu tiên toàn tâm, toàn lực cho công tác hoàn thành các cơ chế, chính sách GPMB, đảm bảo quyền lợi cho người dân; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dự án vành đai 4 phải tính theo ngày, chứ không phải tính theo tuần. Ông đánh giá ra sao về động thái trên của lãnh đạo TP. Hà Nội?

GS. Đặng Hùng Võ: Qua theo dõi tiến độ triển khai dự án, tôi nhận thấy, để huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hiện thực hóa mạnh mẽ mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ dự án vành đai 4 – vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, tái định cư dự án.

Đặc biệt, Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội còn yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở (nơi có tuyến đường vành đai 4 đi qua), mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung: Nghị quyết của Quốc hội về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, tầm quan trọng đặc biệt, ý nghĩa của dự án; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, đơn vị.

Cùng với đó, chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án; vận động nhân dân thực hiện chủ trương, quyết định thu hồi đất; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý dân cư, quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tiếp công dân, tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và giải quyết, trả lời đúng quy định pháp luật...

Từ trước đến nay, chưa có dự án nào Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành riêng một chỉ thị. Điều này cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo TP. Hà Nội. Với những cách làm chủ động, sáng tạo của Thành ủy, UBND thành phố sẽ “truyền lửa” cho các quận, huyện trong việc triển khai thành công dự án quan trọng này.

PV: Xin cảm ơn ông!