Chiều ngày 7/1, tại Hà Nội, NHNN tổ chức buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Kinh tế nhiều điểm sáng, tín dụng tăng trưởng 15,08%

Năm 2024, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và không đều, lạm phát các nước hạ nhiệt rõ hơn sau thời gian thắt chặt tiền tệ và giá dầu giảm, các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, thị trường hàng hóa, tiền tệ biến động mạnh do tính bất định của kinh tế toàn cầu.

Lãi suất USD quốc tế giảm nhưng vẫn ở mặt bằng cao và tương quan kinh tế Mỹ với các nền kinh tế khiến diễn biến đồng USD vẫn phức tạp, tạo ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Trước những thách thức và cơ hội đan xen, toàn ngành ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ để lại nhiều dấu ấn.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN đánh giá, năm 2024, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn những năm trước đây. Trước hết, nhờ những cơ chế, chỉ đạo quyết liệt, đúng và trúng của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giúp nền kinh tế tăng tốc và tháo gỡ những khó khăn từ kinh tế thế giới, chiến tranh khu vực và hệ luỵ để lại từ đại dịch tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Nhờ đó, doanh nghiệp được khai thông và hỗ trợ nguồn vốn, giúp nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngày 7/1 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo.

Năm 2024 cũng có nhiều mặt thuận lợi hơn năm 2023 do chính sách tiền tệ, thương mại các nước nới lỏng hơn, giảm bớt căng thẳng về tác động lên nền kinh tế - tài chính Việt Nam; xuất nhập khẩu rộng mở tạo thuận lợi về điều hành chính sách ngoại tệ, tỷ giá, dòng vốn.

Thị trường vàng biến động nhưng đáp ứng phần nào nhu cầu người dân; lượng ngoại tệ FDI vẫn đổ vào Việt Nam, lượng kiều hối hỗ trợ chính sách tỷ giá. Nhờ đó, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc hơn và nhu cầu vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp gia tăng hơn năm 2023.

Theo Phó Thống đốc, năm 2024, NHNN đạt được nhiều dấu ấn thông qua việc điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát 3,63%, dưới 4,5% theo mục tiêu đề ra; tăng trưởng GDP 7,09%; đồng thời, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.

"Tính đến hết năm 2024, tín dụng toàn ngành tăng 15,08%, đạt mức đặt ra đầu năm, với dư nợ 15,6 triệu tỷ đồng, tương ứng ngành ngân hàng đưa thêm vào nền kinh tế 2,1 triệu tỷ đồng so với năm 2023 (13,6 triệu tỷ đồng)" - Phó Thống đốc NHNN thông tin.

Cùng với đó, NHNN sử dụng nhiều công cụ điều hành linh hoạt từ lãi suất, cho vay tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở; phối hợp chính sách tài khóa, giúp thanh khoản ngân hàng thương mại tích cực, không có giai đoạn nào thiếu vốn. NHNN cũng giao chỉ tiêu tín dụng cởi mở, đổi mới từ năm 2022, không để ngân hàng thương mại nào thiếu room tín dụng. Nhờ đó, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, những dự án đủ điều kiện đều tiếp cận được vốn.

Trong năm 2024, NHNN cũng không thay đổi lãi suất điều hành để mang lại thông điệp ổn định lãi suất, đảm bảo hài hoà lãi suất cho vay và huy động, tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng. "Lãi suất cho vay giảm 0,6% so với đầu năm, riêng 4 ngân hàng quốc doanh big 4 giảm lãi suất trung bình gần 1%" - ông Tú nói.

Tỷ giá tăng 5,03%, thách thức còn nhiều

Về chính sách điều hành tỷ giá, theo lãnh đạo NHNN, tỷ giá phụ thuộc độ mở nền kinh tế, dòng vốn FDI, hoạt động xuất nhập khẩu và chính sách các nước lớn ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD.

Trong năm 2024, chỉ số DXY tăng 7%, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 5,03%, ổn định hơn so với nhiều quốc gia châu Á. Theo ông Tú, tỷ giá biến động theo cung cầu thị trường, NHNN cân đối được ngoại tệ, đảm bảo chính sách tỷ giá tạo điều kiện hoạt động xuất nhập khẩu, nhà đầu tư không có gì lo lắng, suy nghĩ dẫn đến chuyện đầu cơ, găm giữ tỷ giá.

Về tình hình chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu, kém, NHNN đang trình Chính phủ, nếu trước Tết Âm lịch có quyết định thì tiến trình chuyển giao sẽ hoàn thành. Với Ngân hàng SCB, Phó Thống đốc cho biết, các khoản tiết kiệm, tiền gửi người dân được đảm bảo và NHNN đang tích cực xử lý những sai phạm, yếu kém trước đây.

Dù năm 2024 có nhiều điểm khởi sắc, nhưng theo Phó Thống đốc, doanh nghiệp không hẳn nhiều thuận lợi do điều kiện tiếp cận vốn hạn chế, thị trường chứng khoán chưa phát triển nhanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành sôi động, công khai và minh bạch hơn sau những trầm lắng nhưng chưa trở lại như trước đây và chưa đáp ứng được nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Có thể nói, thị trường bất động sản ấm hơn, sôi động và "hồng hào" hơn giúp thị trường tín dụng khởi sắc hơn, tích cực hơn năm 2023 nhưng vướng mắc về thủ tục pháp lý, quy trình, giấy phép còn phải xử lý.

"Nợ xấu có xu hướng tăng là điều ngành ngân hàng phải nhận diện, nhiều chính sách hỗ trợ người vay, cơ cấu thời hạn trả nợ chỉ đến hết năm 2024, dù đã đến hạn trả nợ song doanh nghiệp gặp khó chưa trả được nợ và không phải doanh nghiệp nào cũng phục hồi để trả nợ" - ông Tú lưu ý./.

Ngày 7/1 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cả nước và toàn ngành ngân hàng tập trung cao độ và đặt ra mục tiêu cao hơn mọi năm. Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP mạnh mẽ hơn 8%, vậy cần vốn tín dụng bao nhiêu, vốn từ Chính phủ, vốn đầu tư xã hội bao nhiêu?

"Chúng tôi mong có thêm nguồn vốn từ thị trường trái phiếu, chứng khoán và nguồn vốn khác từ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân nhằm giảm áp lực cho tín dụng" - ông Tú kỳ vọng.

Về mức tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025, theo Phó Thống đốc, con số này đặt ra để định hướng điều hành chứ không phải con số pháp lệnh. Mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, ổn định giá trị đồng tiền và tỷ giá.

NHNN khuyến khích tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tín dụng xanh, lĩnh vực nào kiểm soát chặt chẽ, tránh các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng nóng mất kiểm soát. NHNN sẵn sàng mở thêm room nếu khả năng hấp thụ vốn tốt hơn, doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng còn chịu ảnh hưởng lớn từ mặt bằng lãi suất.