Thị trường lao động bị thu hẹp, đứt gãy trong đại dịch

Theo Tổng cục Thống kê, khi tình hình dịch Covid-19 trở nên phức tạp trên cả nước, khiến việc giãn cách xã hội kéo dài, hàng loạt các doanh nghiệp, dịch vụ không thiết yếu buộc phải đóng cửa làm số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều người buộc phải rời khỏi thị trường lao động. Quý III/2021 chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng của lực lượng lao động (49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Sự sụt giảm nghiêm trọng này kéo theo tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây với 65,6%. Trong cơn bão đại dịch, Đông Nam Bộ là vùng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động, với 62,8%, tiếp đến là đồng bằng sông Cửu Long với 65,4%.

Gắn phục hồi thị trường lao động vào Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch

Diễn biến bất thường của đại dịch đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, vượt xa con số khoảng 2% như thường thấy. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là 3,98%, là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Trong khi đó, kết quả một cuộc khảo sát của nhóm chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch là việc người lao động chưa thích nghi được với quá trình chuyển đổi số/hình thức làm việc của doanh nghiệp, đặc biệt một số ngành như da giày, dệt may, nông - lâm - thủy sản và điện tử. Thiếu hụt lao động cũng là khó khăn lớn thứ ba mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian dãn cách. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong số 9 khó khăn sau khi hết giãn cách, khó khăn do phải đào tạo lao động đáp ứng sự thay đổi/dịch chuyển lĩnh vực/ngành nghề hoạt động/hình thức việc làm chiếm 38,31%; khó khăn trong tuyển dụng lao động chiếm 33,12%. Cụ thể các doanh nghiệp như logistics, điện tử, nông - lâm - thủy sản và dệt may gặp 2 khó khăn này nhiều hơn.

TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XIV, đánh giá người lao động trong đại dịch mang tâm lý nặng nề, lo sợ dịch bệnh, rút khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh, rời bỏ nơi cư trú làm phá vỡ/đứt gãy các liên hệ và thiếu thông tin trên thị trường lao động. Di chuyển lao động gặp khó khăn do việc thực hiện kiểm soát dịch, các quy định về phòng chống dịch của các địa phương cũng như tâm lý e ngại của người lao động về dịch bệnh. Quy mô khu vực có quan hệ lao động bị thu hẹp dẫn đến việc chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức, chất lượng việc làm suy giảm. Lực lượng lao động thanh niên, lao động trình độ thấp, lao động giản đơn là những đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tìm kiếm công việc phù hợp khi chưa thể di chuyển tự do giữa các vùng.

Những khó khăn và biến động của thị trường lao động Việt Nam là thách thức rất lớn đối với mục tiêu “sống chung an toàn với Covid-19” và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Từ thực tế này, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc sớm phục hồi thị trường lao động phải là một cấu phần của chương trình phục hồi kinh tế. Thị trường lao động có phục hồi mới thúc đẩy được hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Gắn điều chỉnh lương tối thiểu với năng suất lao động thực tế

Trong các giải pháp phục hồi thị trường lao động sau đại dịch, TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh việc tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất đối với doanh nghiệp, để phục hồi việc làm cho người lao động (chính sách hỗ trợ tài khóa, tín dụng,..). Triển khai chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động trong một bộ phận cấu thành của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động. Điều tiết, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động. Cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động.

Để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiệu quả, TS. Bùi Sỹ Lợi đề xuất việc điều chỉnh lương tối thiểu với tăng năng suất lao động thực tế. Việt Nam đã áp dụng phương pháp “lương sinh hoạt tối thiểu” để xác định mức lương tối thiểu, trong đó tập trung chính vào chi phí sinh hoạt.

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, lương tối thiểu sẽ hiệu quả nhất nếu được quyết định chủ yếu dựa trên các yếu tố về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, chúng ta có thể cân nhắc các yếu tố khác như tăng giá và thu nhập tương đối. Tuy nhiên, năng suất lao động vẫn sẽ là yếu tố quan trọng hơn khi quyết định mức lương tối thiểu. Trước mắt, trong ngắn hạn, khu vực tư nhân của Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc điều hòa tốc độ điều chỉnh lương tối thiểu. Trong trung hạn, cần đưa ra các kế hoạch hiện có gắn điều chỉnh lương tối thiểu với tăng năng suất lao động thực tế.

Sẽ có chính sách thu hút người lao động trở lại làm việc

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Đức Phương, 1 trong 5 nhóm chính sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhóm chính sách an sinh xã hội. Theo đó, đối tượng điều chỉnh của các chính sách sẽ được mở rộng, trong đó có các đối tượng như công nhân trong các khu công nghiệp với mục tiêu chính là giữ chân lao động, thu hút lao động trở lại nơi làm việc; đồng thời, bảo đảm người lao động tại các trung tâm kinh tế có điều kiện sinh hoạt, ăn, ở, gắn bó lâu dài.

Để thực hiện chính sách này, ông Phương cho biết sẽ xây dựng cơ chế phát triển, quản lý, vận hành, bán hoặc cho thuê nhà ở với giá ưu đãi; đồng thời, bố trí nguồn tài chính hỗ trợ hai đầu cho người mua nhà và đơn vị đầu tư, xây dựng. “Tất cả để có một sản phẩm đầu ra tối ưu nhất cho người lao động, đặc biệt là công nhân” -

Thứ trưởng Trần Đức Phương cho biết.