Đây là thông tin được GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Hội thảo tập huấn triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức, ngày 29/6, tại Hà Nội.

Giá dịch vụ y tế hiện hành mới kết cấu được 2 yếu tố

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, kết cấu của giá khám bệnh, chữa bệnh gồm 4 yếu tố là chi phí trực tiếp (như thuốc, sinh phẩm...); tiền lương, tiền công; chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị.

Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh, tính đúng, tính đủ từ năm 2024
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Nam.

Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế hiện hành mới kết cấu được 2 yếu tố là tiền lương và chi phí trực tiếp. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi tiền túi của người dân, là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện, viện xác định nhiệm vụ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là nhiệm vụ chính trị, cấp bách, ưu tiên cần triển khai và hoàn thành theo kế hoạch đã được giao.

“Với khoảng 40% chi phí khám, chữa bệnh là từ tiền túi người sử dụng dịch vụ y tế, chúng tôi hy vọng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi tiền túi của người dân. Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tính đến năm 2018 Bộ Y tế đã ban hành danh mục có 18.244 kỹ thuật trong khám chữa bệnh. Căn cứ vào cơ sở danh mục kỹ thuật được ban hành, Bộ Y tế đã ban hành hơn 1.300 hướng dẫn chẩn đoán điều trị và hơn 7.500 quy trình kỹ thuật và trên cơ sở đó đã xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và giá các dịch vụ kỹ thuật. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện phát sinh một số bất cập và Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng một số văn bản hướng dẫn để khắc phục.

Đến nay, một số văn bản đã được Bộ Y tế ban hành để làm cơ sở xây dựng, cập nhật quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật…

Dự kiến trong tháng 7 ban hành khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, kinh nghiệm của các nước trên thế giới việc xây dựng danh mục kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ kỹ thuật là công việc hết sức phức tạp, khó khăn, đầy thách thức. Vì vậy, cần có cơ quan chuyên trách với lực lượng các chuyên gia đa lĩnh vực: lâm sàng, kinh tế - y tế, sức khỏe công cộng… cũng như yêu cầu về thời gian, lộ trình, phương pháp mới có thể đảm nhiệm được. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện chưa có cơ quan chuyên trách đảm nhiệm nhiệm vụ này.

Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh, tính đúng, tính đủ từ năm 2024

Dự kiến giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tính đúng, tính đủ từ năm 2024. Ảnh: TL.

Liên quan đến giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, dự kiến thông tư hướng dẫn khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ được Bộ Y tế ban hành trong tháng 7/2023. Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã cho ý kiến.

Các mức giá sẽ khác nhau tùy vào hạng bệnh viện, bác sĩ hay giáo sư... và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.

Thông tư giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu được ban hành với mục đích là đáp ứng nhu cầu mọi người dân tới cơ sở y tế với các loại hình bảo hiểm y tế hay tự chọn dịch vụ theo yêu cầu.

Trước đó, thông tin về Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, một trong điểm mới là quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, quy định cụ thể về giá khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy./.