Hộ chiếu Mỹ.

Hộ chiếu Mỹ.

Theo đài Sputnik (Nga), cuộc khảo sát hàng quý của IRS đã thống kê những người Mỹ có tài sản trên 2 triệu USD, "những người đã lựa chọn từ bỏ quốc tịch" hoặc từ bỏ thẻ thường trú nhân (Thẻ xanh) của mình. Báo cáo cho thấy vào năm 2020, đã có 6.707 người Mỹ từ bỏ quốc tịch, tăng 237% so với năm 2019. Khoảng 9 triệu người Mỹ đang sinh sống ở nước ngoài và việc từ bỏ quốc tịch đã tăng mạnh trong thập kỷ qua.

Tờ Wall Street Journal cho biết có gần 37.000 người Mỹ đã từ bỏ quốc tịch kể từ năm 2010. Nguồn tin cũng tiết lộ nguyên nhân đằng sau tình trạng này có thể là việc ban hành Đạo luật Thuế Tài khoản Nước ngoài (FATCA). Đạo luật được thông qua vào năm 2010 với mục đích ngăn chặn hành vi trốn thuế và tài trợ cho các nhóm khủng bố.

Luật yêu cầu các tổ chức tài chính, dù không phải của Mỹ, cũng cần xác định khách hàng người Mỹ của họ cho IRS, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thuế. Điều này nhằm ngăn chặn người Mỹ “lách luật”, thông qua các khoản đầu tư tại các tổ chức tài chính nằm ngoài lãnh thổ Mỹ để trốn thuế, mở ra một cuộc cách mạng toàn cầu về minh bạch tài chính.

Tuy nhiên, những người phản đối FATCA không chỉ là những người trốn thuế. Tuân thủ việc sàng lọc khách hàng Mỹ khiến các công ty tài chính đau đầu. Một số đã từ chối phục vụ người Mỹ sống ở nước ngoài vì sợ bị phạt theo các điều khoản hà khắc của FATCA.

Nhiều người trong số 9 triệu người Mỹ sống ở nước ngoài, bao gồm cả những người “vô tình là công dân Mỹ”, sinh ra ở Mỹ nhưng sống ở nơi khác, cũng đã phải đối mặt với các khoản nợ thuế.

Đầu năm nay, một cuộc khảo sát do công ty Greenback Expat Tax Services thực hiện cũng đã tiết lộ 4% người Mỹ ở nước ngoài đang cân nhắc từ bỏ quốc tịch của mình. 18% nói rằng họ "đang xem xét nghiêm túc" vấn đề này. Khoảng 42% trong số những người được hỏi cũng nói rằng họ "sẽ không loại trừ khả năng đó”. 36% số người tham gia khảo sát cho biết họ "sẽ không bao giờ có ý định" từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình.

Dẫn đầu trong số các lý do khiến người Mỹ ở nước ngoài muốn từ bỏ quốc tịch là do các yêu cầu của Mỹ về khai báo thuế, với 42% người được hỏi đưa ra lý do này. Các yếu tố khác liên quan đến hôn nhân với người không phải là công dân Mỹ (12%), lo ngại về môi trường chính trị (11%) và thất vọng về các chính sách của Chính phủ Mỹ (10%).

Khoảng 7% số người được hỏi cũng cho biết rằng họ muốn từ bỏ quốc tịch do những khó khăn mà họ gặp phải khi làm việc với các ngân hàng nước ngoài với tư cách là một công dân Mỹ. Tùy thuộc vào khối tài sản tích lũy ở nước ngoài, những người này có thể còn phải khai báo với Bộ Tài chính Mỹ về các tài khoản tài chính và ngân hàng nước ngoài.

Theo quy định, công dân Mỹ ở nước ngoài phải khai báo khi tài khoản USD ở nước ngoài vượt 10.000 USD vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Bên cạnh đó, họ cần khai báo nếu có tài khoản vượt 200.000 USD vào cuối năm.

Tương tự các quy định về thuế được áp dụng tại Mỹ, công dân mang quốc tịch Mỹ sống ở nước ngoài cũng phải báo cáo thu nhập hàng năm cho Sở Thuế vụ. Điều này có nghĩa là người Mỹ ở nước ngoài có thể khai và nộp thuế ở cả hai nơi. Song, mặc dù cơ quan này đã thực hiện các biện pháp để tránh đánh thuế 2 lần, các yêu cầu khai báo thuế vẫn là một trở ngại đối với họ.

Theo TTXVN